1, Bà Phinij Sopajorn (70 tuổi) bị sưng tuyến giáp rồi qua đời tại bệnh viện ở Thái Lan. Sau khi mất, gia đình mang thi thể bà đặt vào một chiếc quan tài rồi giữ trong 3 ngày ở một ngôi đền để làm đám tang trước khi thực hiện hỏa táng.
Trước khi chuyển cơ thể bà Phinij vào lò đốt, chồng bà là ông Thawin Sopajorn (73 tuổi) đã dùng một miếng khăn nỉ ẩm để thực hiện phong tục rửa mặt truyền thống. Đột nhiên, ông Thawin phát hiện vợ mình có thở nhẹ và mắt thì nhấp nháy. Ngay lập tức, ông Thawin đã kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh trong thời gian chờ các nhân viên y tế đến thực hiện CPR (hồi sức tim phổi). Cuối cùng, bà Phinij được tuyên bố còn sống.
2, Hoàng hậu Malaysia Tunku Azizah tiết lộ rằng bà đã từng là “nhà phân phối chính thức” món sốt tôm sambal belacan cho gia đình cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Bà cũng tiết lộ rằng hiện bà vẫn đang cung cấp sốt tôm cho gia đình đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu.
Bà đã từng chia sẻ bức ảnh chụp lá thư mà ông Lý Quang Diệu viết cho bà vào ngày 23/7/2009, có đoạn: “6 túi nước sốt sambal belacan bà tặng cho tôi ngon tuyệt. Tôi đã chia sẻ chúng cho 2 con trai và họ đều ăn cả. Đây là món sốt belacan cay ngon nhất mà chúng tôi từng ăn. Gia đình tôi có thể nhận được thêm sốt nữa không? Tôi xin lỗi nếu gây phiền toái cho bà. Chỉ là món sốt khiến đồ ăn ngon hơn rất nhiều”. Bà Tunku Azizah cho biết lá thư này rất có ý nghĩa với bà và bà rất xúc động khi đọc được nó.
Bà Tunku Azizah trở thành Hoàng hậu thứ 16 của Malaysia đầu năm nay, sau khi chồng bà, Abdullah Sultan Ahmad Shah, lên ngôi vua, thay thế cho Tiểu vương bang Kelantan Muhammad V, người đã bất ngờ thoái vị khi chưa hết nhiệm kỳ 5 năm. Hoàng hậu Malaysia rất được công chúng yêu mến. Bà cũng không giấu diếm niềm đam mê với ẩm thực khi từng ra sách hướng dẫn nấu ăn.
3, Cô Pooja Bohara bị kéo vào một nhà tắm và cưỡng hiếp tập thể năm 2012 khi mới 14 tuổi. Đây là vụ án tốn nhiều giấy mực và gây rúng rộng một thời ở Nepal. Mới đây, Tòa án Tối cao kết luận 2 người đàn ông phạm tội hiếp dâm tập thể, 4 năm sau khi một phiên tòa cấp dưới tha bổng cho hai nghi phạm với lý do thiếu bằng chứng. Hai gã đàn ông này hiện đang đối mặt với án tù lên tới 19 năm. Cô Pooja Bohara cuối cùng cũng đòi được công lý sau 7 năm.
Cô Bohara rời khỏi ngôi làng nằm ở khu vực hẻo lánh thuộc miền Tây Nepal sau vụ tấn công và tìm đến tổ chức từ thiện Raksha Nepal, nơi giúp đỡ những cô gái và những người phụ nữ bị tấn công tình dục. Sau đó, cô đăng ký học ngành luật với mong muốn trở thành một thẩm phán để giúp những nạn nhân khác giành được công lý. Năm nay là năm học cuối của cô gái kiên cường. Bà Menuka Thapa, người đứng đầu Raksha Nepal, cho biết cô Bohara được bồi thường sau khi những kẻ tấn công bị kết án lần đầu tiên nhưng số tiền này bị giữ lại khi họ kháng cáo. Bà Thapa tỏ ra vui mừng trước phán quyết của Tòa án Tối cao vì điều này thắp lên hy vọng rằng ngay cả những nạn nhân nghèo khổ và bình thường như Pooja vẫn có thể tìm được công lý.
Hồi đầu tháng 10, Chủ tịch Quốc hội Nepal Krishna Bahadur Mahara đã từ chức vì cáo buộc tấn công tình dục. Dù vậy, tỷ lệ kết án về những tội ác nhắm vào phụ nữ vẫn ở mức thấp khoảng 5% vì rất nhiều nạn nhân không dám đứng ra làm chứng do lo sợ bị kỳ thị.