pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bà mẹ 9x ở TP.HCM chia sẻ: Đừng nhầm lẫn giữa tối giản và “nghiện" mua sắm đồ theo phong cách tối giản
Công ty giảm lương, chi tiêu sinh hoạt bị thắt chặt, kinh tế sa sút giữa dịch bệnh... là các lý do khiến rất nhiều chị em đã và đang thay đổi thói quen mua sắm của mình bằng cách tối giản hóa nhu cầu và thói quen tiêu dùng hằng ngày từ những điều nhỏ nhất.
Chị Hoàng Minh Hường (sinh năm 1991) hiện đang sống tại TP HCM và làm công việc freelance. Chị Hường đã thay đổi từ lối sống tiêu dùng nhanh sang lối sống tối giản. Trong hành trình khám phá lối sống này chính chị Hường cũng đã học được rất nhiều bài học bổ ích.
Nhầm lẫn giữa tối giản và “nghiện" mua sắm đồ theo phong cách tối giản
Trước khi lựa chọn cuộc sống tối giản, chị Hường đã từng chi tiêu bốc đồng và cũng mua sắm kiểu tiêu dùng nhanh 1 thời gian rất dài. Tới khi nhận ra những ảnh hưởng không tốt của nó tới cuộc sống, chị Hường đã nhanh chóng thay đổi để lựa chọn cách sống tối giản, hiện đang được rất nhiều người áp dụng.
Trong hành trình khám phá lối sống này chị Hường đã học được rất nhiều bài học. Đi kèm đó là cả những ngộ nhận, ngây ngô thậm chí sai lầm phải sửa lại. Thời gian đầu chị Hường "hùng hục" về vứt hết đồ đạc thừa thãi đi, vứt cả những đồ cần dùng. Tới lúc tìm thì không thấy đâu, lại lục tung nhà cửa ra và thầm trách bản thân không những lãng phí mua đồ thừa mà còn lãng phí vứt đồ còn giá trị sử dụng.
Hoặc có giai đoạn, chị Hường lược hết những đồ bản thân cho là lòe loẹt, tối giản chỉ hợp với những màu trung tính và lại mua tá lả những đồ “hợp gu" với tối giản để dùng. Nhưng tất nhiên chị vẫn chưa hài lòng, vẫn cảm thấy thiếu gì đó. Mở tủ đồ ra vẫn băn khoăn không biết chọn gì.
"Một trong những phụ kiện rất hay gặp với tối giản, bảo vệ môi trường là túi vải. Có thời điểm, mình có 1 xấp túi, túi từ sự kiện, túi được tặng kèm, túi đi mua nhưng 100% là túi vải, đều siêu bền, siêu giản dị và trông rất “tối giản".
Thêm một trải nghiệm nữa, đấy là khi một brand về tối giản lớn về Việt Nam, mình thấy ôi chao hợp quá rồi, như này mình chỉ cần chọn mua ở đây và trung thành là xong, sẽ đỡ mất thời gian nghĩ. Thế nhưng mình vô tình chìm vào mua đồ tối giản kiểu như 5 chiếc quần jeans na ná nhau, áo phông basic một màu nhưng nhiều cái, giày kết hợp được tất cả các bộ nhưng muốn mua vài đôi, chân váy mặc dịp gì cũng được nhưng thích 5-7 cái vì cái nào cũng đạt tiêu chí đó và rất xinh", chị Hường chia sẻ.
Chợt sững lại và chị Hường nhận ra, có lẽ nào bản thân đang nhầm lẫn giữa tối giản và “nghiện" mua sắm đồ theo phong cách tối giản. Lúc này chị lại tiếp tục đo lường, phân tích chính mình và rồi quay lại gốc rễ tại sao chọn lối sống tối giản và những điểm mạnh của nó.
Và chị Hường nhận ra mình đã lại rơi vào “bẫy" của chủ nghĩa tiêu dùng một lần nữa - đó chính là tiêu dùng đồ tối giản. Nghe mâu thuẫn nhưng đó chính là điều chị Hường đã từng trải qua. Ngay khi phát hiện, chị đã nhanh chóng chỉnh sửa. Tới hiện tại chị Hường đang đi tiếp hành trình thú vị này và càng đi lại càng thấy hay, càng trưởng thành hơn.
Bẫy mua sắm mà những người áp dụng phong cách tối giản nên lưu tâm
Chị Hường cho rằng bản thân đã từng rơi vào chủ nghĩa tiêu dùng những món đồ tối giản. Tức là đồ gì mua và dùng trông cũng tối giản nhưng thực ra là đang tốn rất nhiều tiền cho việc mua đồ. Ảnh: NVCC.
Quyết định chuyển sang áp dụng lối sống tối giản không có nghĩa là bạn có thể làm được ngay lập tức. Chị Hường đưa lời khuyên: "Mình nghĩ đây cũng là 1 cái bẫy mua sắm mà những người áp dụng phong cách tối giản nên lưu ý. Mình gọi đó là chủ nghĩa tiêu dùng những món đồ tối giản. Tức là đồ gì mình mua và dùng trông cũng tối giản nhưng thực chất là đang mua quá nhiều đồ.
Giai đoạn mới chuyển giao, tâm lý thích mua sắm và cần mua sắm vẫn còn. Sự yêu thích đó tiếp tục làm bạn mua rất nhiều những món đồ tối giản. Chính những người bạn của mình cũng gặp tình trạng này. Họ thích túi vải đến mức có thể mua tới 20 - 30 cái túi vải tối giản chỉ trong 1 thời gian ngắn. Như thế lại không phải là tối giản nữa".
"Tự mình nhìn nhận ra được điều đó và lại phải tìm hiểu và thay đổi hành vi mua sắm để về đúng với cốt lõi là tối ưu hóa thời gian và cuộc sống, cần lược đi những thứ không thật sự cần thiết. Mình nghĩ điều quan trọng là phải tỉnh táo để đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn và phù hợp nhất. Mình phải suy nghĩ là có thật sự cần mua nó hay không, đã có cái nào tương tự như thế này chưa, nó có thay thế được hay không. Đó chính là giai đoạn mình phải trải qua để tới được với lối sống tối giản thật sự", chị Hương chia sẻ.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC