Gần 6 tháng kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 9/2017, cuối cùng thì nước Đức cũng tạm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính phủ chưa có tiền lệ suốt 70 năm qua, từng khiến cả châu Âu như “ngồi trên đống lửa”. Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Đức ngày 14/3, bà Merkel đã nhận được 364 phiếu ủng hộ trên tống số 709 nghị sĩ. Với sự phê chuẩn của Quốc hội Liên bang, bà Angela Merkel đã vượt qua lần thử thách cam go nhất kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức năm 2005, để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thủ tướng Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức vào 18 giờ ngày 14/3 sau khi được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chính thức bổ nhiệm. Đây là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp của bà Merkel, bắt kịp thành tích của bậc tiền bối Helmut Kohl, người giữ vị trí Thủ tướng Đức từ năm 1982 đến 1998.
Chính phủ mới ở Đức có nhiều bộ trưởng còn khá trẻ, như ông Saphn mới 37 tuổi, Bộ trưởng Gia đình Franziska Giffey 39 tuổi... Có đến 8 trên tổng số 17 thành viên nội các mới là nữ, tỷ lệ cao hiếm có.
Trong 3 nhiệm kỳ vừa qua, bà Merkel luôn dẫn dắt nước Đức xứng đáng là đầu tàu kinh tế của châu Âu và giữ vững ngôi vị nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, vượt qua mọi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu. Thế nhưng, hàn gắn xã hội Đức đã bị rạn nứt trở thành nhiệm vụ cấp bách của bà Merkel trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 này. Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, số người thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục nhưng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc, hàng loạt rắc rối do làn sóng người tị nạn gây ra, trong đó đáng kể nhất là nguy cơ bị khủng bố trà trộn, bên cạnh tư tưởng cực hữu trỗi dậy kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh...