Bà Theresa May tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh trong nước mắt

24/05/2019 - 22:53
Ngày 24/5, Thủ tướng Theresa May tuyên bố bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6, đồng nghĩa với việc rời bỏ chức thủ tướng Anh. Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới.
Ra đi khi tiến trình Brexit còn dang dở
 
Ngày 24/5, đọc thông báo từ chức vào ngày 7/6 trước cửa Văn phòng Thủ tướng Anh trong nước mắt, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà ra đi trong tiếc nuối vì đã không thể hoàn tất tiến trình Brexit.
 
Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức

  

"Kể từ lần đầu tiên bước qua cánh cửa đằng sau lưng tôi với tư cách thủ tướng, tôi đã cố sức để biến Anh trở thành một đất nước không chỉ phục vụ cho số ít có đặc quyền mà là cho tất cả mọi người. Tôi đã cố sức để thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ", bà nói trước văn phòng thủ tướng ở số 10 Phố Downing.
Thủ tướng Theresa May cho biết, bà đã cố gắng để Brexit được diễn ra êm thấm. "Tôi đã cố 3 lần. Niềm hối tiếc sâu sắc của tôi sẽ luôn luôn là việc tôi không thể biến Brexit thành hiện thực", bà nói.
 
Thủ tướng Anh, người đã phải chịu sự chỉ trích và cười chê khi không thể thuyết phục quốc hội thông qua các kế hoạch Brexit, nói rằng công việc này "là vinh dự của đời bà".
 
Bà Theresa May lên làm Thủ tướng Anh vào ngày 13/7/2016 thay cho Thủ tướng David Cameron phải từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến việc nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
 
Những giọt nước mắt đau buồn của bà Theresa May

  

Cuối tháng 11/2018, sau 17 tháng đàm phán cam go, Chính phủ của bà May đã đạt được một thoả thuận Brexit với EU. Tuy nhiên, thoả thuận này bị chỉ trích kịch liệt trong nội bộ nước Anh và đã 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ. Thế bế tắc toàn diện của Brexit khiến bà May đánh mất tất cả sự ủng hộ của nội bộ đảng Bảo thủ cũng như thất bại trong việc tìm kiếm thoả hiệp với Công đảng đối lập.
Số phận của bà May được định đoạt trong cuộc gặp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang dọa rằng họ sẽ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bà không chịu ra đi.
 
Kế hoạch "Brexit mới" gồm 10 điểm do bà May trình lên vào ngày 21/5 đã khiến nhiều nghị sĩ trong chính đảng của bà nổi giận. Lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom đã từ chức ngày 22/5 thay vì trình kế hoạch mới này lên quốc hội. Bà May sẽ ở lại Phố Downing đến tháng sau, để chờ đợi kết quả (và có thể là đón nhận chỉ trích) về thành tích của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tuần này.
 
Nước Anh sẽ sớm bầu thủ tướng mới
 
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Bà May khẳng định việc tìm kiếm một Thủ tướng mới lúc này sẽ là lựa chọn tốt nhất cho nước Anh. Bà May kêu gọi người kế nhiệm mình tìm mọi cách để đạt được sự đồng thuận tại Nghị viện Anh, đồng thời đưa ra lời khuyên rằng “thoả hiệp không có gì xấu và cuộc sống phụ thuộc vào những thoả hiệp”. Bà May cho biết đã thông báo với Nữ hoàng Anh về việc mình sẽ tiếp tục đảm đương cương vị Thủ tướng tạm quyền cho đến khi nước Anh hoàn thành quá trình lựa chọn gương mặt mới lãnh đạo chính phủ.
 
Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm 2 giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ. Bà May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài khoảng 6 tuần.
 
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson là ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng Anh

  

Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đang cạnh tranh cho vị trí này và người thắng cuộc sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Hiện cựu Ngoại trưởng Boris Johnson được xem là ứng cử viên hàng đầu thay thế bà May trên cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ và giữ ghế Thủ tướng Anh. Ông Boris là một người ủng hộ nhiệt thành của Brexit. Khả năng này cũng làm nhiều đảng viên trung lập trong đảng Bảo thủ lo ngại.
 
Cơ hội cũng để ngỏ cho 17 gương mặt tên tuổi khác trong đảng Bảo thủ, trong đó phải kể đến cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd...
 
Tuy nhiên, bất kỳ ai thay thế bà May cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đạt được sự “đồng thuận và nhượng bộ” tại một Quốc hội Anh chưa bao giờ chia rẽ như hiện tại, giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng, cũng như giữa các nhóm ủng hộ Ở lại và Ra đi (khỏi EU).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm