pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ba Vì (Hà Nội): Cán bộ "làm tắt", 77 hộ dân bị mất ruộng
Bà Phùng Thị Thành cho biết, sau dồn điền đổi thửa, đường nội đồng không được bê tông hóa, kênh tưới tiêu không có, khiến một số thửa ruộng bị bỏ hoang
Thiếu gạo ăn vì bị giao thiếu ruộng
Năm 2019, người dân thôn Cao Lĩnh (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) đồng lòng cùng chính quyền địa phương thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa. Việc dồn đất ruộng từ các ô, thửa nhỏ thành các thửa lớn, khắc phục tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất, giúp cho canh tác diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn nên người dân háo hức thực hiện với nhiều kỳ vọng.
Thế nhưng, 77 hộ dân ở thôn Cao Lĩnh không thể vui khi nhìn lại diện tích ruộng mới bị giảm, thậm chí có hộ giảm mất một nửa sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa.
Trong cái nắng gay gắt, bà Phùng Thị Thành cùng hàng chục người dân thôn Cao Lĩnh đã dẫn chúng tôi ra ruộng lúa đang thì con gái để xem thực tế cánh đồng Sở Chảo sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa.
"Cả cánh đồng rộng lớn nhưng không có một mét đường bê tông nội đồng, toàn bộ đường đi ngập trong cỏ, kênh tưới tiêu cũng không có nên người dân chúng tôi rất vất vả mỗi mùa gieo cấy. Nhiều hộ dân đã bỏ hoang ruộng mặc dù năng suất trên cánh đồng này tốt", bà Thành chia sẻ.
Điều bà Thành và nhiều hộ dân thôn Cao Lĩnh bức xúc là diện tích ruộng đã bị mất quá nhiều sau khi xã Phú Sơn thực hiện dồn điền đổi thửa. Theo bà Thành, trước đây diện tích ruộng của gia đình bà là 3.696m2 nhưng giờ thiếu 1.258m2 so với trước. Vì mất đi diện tích nên mấy năm gần đây, gia đình bà Thành không đủ gạo ăn, năm nào cũng phải mua thêm ở chợ mấy tháng.
Ông Phùng Tiến Trung (thôn Cao Lĩnh) cho rằng, trong quá trình thực hiện, tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh và Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn đã không thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng dẫn đến việc hàng chục hộ dân trong thôn bị giao thiếu ruộng.
"Trước đây, gia đình tôi có 4.320m2 nhưng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa chỉ còn 2.037m2, thiếu hơn một nửa ruộng. Dồn điền đổi thửa là chính sách đúng đắn của Nhà nước và chúng tôi rất ủng hộ. Thế nhưng, việc thực hiện sai khiến gia đình tôi gặp khó khăn hơn", ông Trung nói.
Đến thời điểm hiện tại đã xác định được 77 hộ dân thôn Cao Lĩnh thiếu ruộng, không đủ diện tích như được giao năm 1993. "Hầu hết các gia đình đều thiếu từ hàng trăm đến cả nghìn m2. Gia đình nhà tôi thiếu 620m2, gia đình ông Phùng Tiến An thiếu 768m2…
UBND huyện Ba Vì đã kết luận, việc chúng tôi mất một phần diện tích ruộng như đã phản ánh là đúng nhưng thiệt hại suốt mấy năm qua ai đền bù cho người dân? Chúng tôi yêu cầu phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân và việc trước mắt là trả lại đủ số diện tích ruộng đang thiếu", bà Chu Thị Huệ nói.
Chờ hướng dẫn để xử lý sai phạm
Ông Phùng Nghĩa Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, thừa nhận, việc người dân thôn Cao Lĩnh phản ánh thiếu diện tích ruộng sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa là chính xác. Cũng theo ông Sơn, giai đoạn 2015-2020, ông đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa. Trong khi đó, ông Chu Thanh Hào, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, thời điểm đó là Phó ban chỉ đạo.
"Quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa đã dẫn đến hộ thừa, hộ thiếu. Diện tích ruộng không đổi nhưng do có chỗ ruộng tốt, chỗ xấu nên hộ nào nhận ở chỗ ruộng tốt sẽ được diện tích ít hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những sai sót dẫn đến việc các hộ dân khiếu nại và UBND huyện Ba Vì mới đây cũng đã có kết luận. Bản thân tôi cũng bị đề xuất kỷ luật", ông Thân nói.
Được biết, sau khi phát hiện thiếu diện tích ruộng, nhiều hộ dân thôn Cao Lĩnh đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.
Cụ thể, công dân tố cáo ông Phùng Nghĩa Thân không làm đúng theo quy định Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội dẫn đến việc thiếu đất của một số hộ dân sau dồn điền đổi thửa.
Sau khi vào cuộc xác minh, ngày 15/3/2024, UBND huyện Ba Vì đã có "Thông báo kết luận nội dung tố cáo" và khẳng định "nội dung tố cáo là đúng". Thông báo nêu: "Thôn Cao Lĩnh đã thực hiện các bước dồn điền đổi thửa theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn để xảy ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại bước phân tích diện tích đất nông nghiệp của từng hộ dân đang sử dụng và các biến động của thôn Cao Lĩnh chưa đảm bảo đúng với thực tế số hộ đang sử dụng đất.
Khi thực hiện vẫn xác định số hộ có diện tích đất nông nghiệp dồn điền là 104 hộ (là các hộ có đất được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ và Quyết định 250 của tỉnh Hà Tây) nhưng khi chia ruộng tại thực tế lại có 152 phương án giao ruộng do quá trình sử dụng có nhiều hộ đã cho tặng cho con hoặc chuyển nhượng cho các hộ khác.
Việc xác định sai số liệu các hộ được chia ruộng dẫn đến việc tổ chức họp thôn chỉ mời 104 hộ tham gia trong khi thực tế là 152 hộ liên quan được nhận ruộng theo phương án. Tại các buổi họp thống nhất phương án dồn điền của thôn Cao Lĩnh đều không có danh sách các hộ có mặt, chưa ghi tổng số tham dự".
Ngoài ra, Thông báo cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh đã đưa ra định suất để điều chỉnh sự chênh lệch về các yếu tố thuận lợi, khó khăn đối với diện tích đất xa, gần, tốt, xấu nhằm đảm bảo một cách cơ bản về sự công bằng, tương đối giữa các hộ phù hợp với điều kiện ruộng đồng và tình hình cụ thể tại địa phương; hệ số chênh lệch diện tích đưa ra dân bàn bạc và đại đa số hộ đã thống nhất tại hội nghị thôn để các hộ tự nhận ruộng trên các xứ đồng không tổ chức phân lô, gắp phiếu là chưa thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, dẫn đến khi giao ruộng có 77 hộ thiếu và 62 hộ thừa.
Với những sai phạm nêu trên, UBND huyện Ba Vì chỉ đạo UBND xã Phú Sơn và Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh: "Kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Phùng Nghĩa Thân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Phú Sơn giai đoạn năm 2019.
Kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm với ông Chu Thanh Hào, nguyên Chủ tịch UBND xã; Công chức địa chính xã, các thành viên trong Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã phụ trách thôn Cao Lĩnh giai đoạn 2017-2019; Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn, Phó thôn, Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh giai đoạn 2017-2019".
Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì cũng đã chỉ đạo Phòng kinh tế và phòng Tài nguyên & Môi trường huyện hướng dẫn Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa thôn Cao Lĩnh thực hiện rà soát lại phương án dồn điền đổi thửa, cân đối lại diện tích giao ruộng đối với các hộ dân đảm bảo theo quy định.
Chia sẻ với phóng viên Báo PNVN, ông Phùng Nghĩa Thân cho biết, sau khi UBND huyện Ba Vì có kết luận và chỉ đạo, phòng Nội vụ cũng đã về làm việc với UBND xã Phú Sơn để hướng dẫn việc thi hành tổ chức kỷ luật cán bộ. Về phía 77 hộ dân thiếu ruộng, xã Phú Sơn đang chờ hướng dẫn từ Phòng Nông nghiệp huyện mới đưa ra phương hướng khắc phục.
Trong khi đó, các hộ dân mong sớm được trả lại số đất ruộng bị thiếu, đồng thời "phải nhận được quyền lợi chính đáng cho những năm tháng bị thiệt thòi do thiếu diện tích ruộng".
Clip: Ba Vì (Hà Nội): Cán bộ "làm tắt", 77 hộ dân bị mất ruộng. Thực hiện: Trường Hùng
Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở NN & PTNT thành phố Hà Nội cho biết, dồn điền đổi thửa đảm bảo nguyên tắc theo đúng quy định tại Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, đồng thời phải giao đủ số diện tích các hộ được chia theo Nghị định 64/CP đang quản lý, sử dụng theo quy định tại phương án chuyển đổi đã được phê duyệt trước đây… Khi tổ chức giao ruộng cho xã viên, phải tổ chức hội nghị bốc thăm và tiến hành chia ruộng theo kết quả đã bốc thăm, đảm bảo giao đúng, giao đủ, đảm bảo khách quan, dân chủ và hiệu quả.
Xã Phú Sơn chỉ dựa trên sự bàn bạc, nhất trí cao của nhân dân tại các hội nghị thống nhất tự nhận ruộng trên các xứ đồng, không tổ chức phân lô, gắp phiếu, không đưa ra được căn cứ và tiêu chí cụ thể để áp dụng dẫn đến việc 77 hộ dân bị giảm diện tích và 62 hộ dân tăng diện tích so với diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ.