pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bạc Liêu: Đa dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Công việc cho thu nhập hàng ngày của chị em trong Tổ phụ nữ vá lưới. Ảnh: M.L
Thời gian qua, Hội LHPN huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung làm tốt việc vận động chị em thực hành tiết kiệm, tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững. Nhiều phụ nữ trên địa bàn đã vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo khởi nghiệp và mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả; không những tạo việc làm cho người thân trong gia đình mà còn giúp chị em khác có việc làm ổn định. Nhiều chị em là điển hình tiên tiến trong phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi ".
Kết quả, toàn huyện đã thành lập gần 50 "Tổ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình" với số vốn tiết kiệm lên gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp trong huyện còn duy trì, nhân rộng mô hình xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" và các tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn để hỗ trợ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững và hộ đủ ăn vươn lên khá, giàu.
Tại huyện Đông Hải, các cấp Hội cũng triển khai đa dạng các hoạt động, mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Vừa qua, Hội LHPN xã An Trạch A (huyện Đông Hải) cũng đã ra mắt câu lạc bộ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế" với 5 thành viên tham gia. Khi tham gia câu lạc bộ, các chị em sẽ được tiếp cận vốn và tham gia các lớp tập huấn, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình để đầu tư vào các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.
Từ các hoạt động phát triển kinh tế, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, có thể kể đến chị Trần Thị Tú Chinh, ngụ phường Láng Tròn (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã mạnh dạn vay vốn, học hỏi khoa học kỹ thuật về trồng trọt để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay, việc đầu tư cho mô hình sản xuất đã được ổn đinh, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị thu nhập khoảng từ 40 - 50 triệu đồng.
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững
Hội LHPN tỉnh Bạc Liệu cho biết, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp như tổ chức hội thảo, đối thoại với phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp để giải đáp các khó khăn trong vấn đề khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Cán bộ Hội tham gia tập huấn, tổ chức tập huấn cho phụ nữ về kiến thức khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, ý tưởng khởi nghiệp. Hằng năm, các cấp Hội đều tổ chức lựa chọn các ý tưởng đánh giá có tính sáng tạo mới tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động và đã tạo được sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Tính đến nay, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phối hợp với các ngành hỗ trợ 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mới thành lập, hỗ trợ cho hơn 1.270 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 7 hợp tác xã, 67 tổ hợp tác và 35 tổ liên kết sản xuất với các ngành nghề như buôn bán tạp hóa, mở rộng chăn nuôi, trồng hoa màu trên rẫy và các bờ vuông tôm, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ; sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt OCOP…
Bên cạnh những thuận lợi, theo Hội LHPN tỉnh Bạc Liệu, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn về vốn, ý tưởng và thị trường. Trong đó, về nguồn vốn, nguồn lực ngân sách và các nguồn lực vận động xã hội hóa rất ít, hạn chế.
Hiện nay, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu đã và đang tìm nhiều giải pháp thích hợp để hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Cụ thể, bên cạnh việc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục giải ngân các nguồn vốn ủy thác, quỹ Hội. Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty trong và ngoài tỉnh tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống; hỗ trợ, giải ngân cho mượn nguồn vốn phát triển kinh tế.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ đưa sản phẩm của phụ nữ đến gần với người dùng, thông qua các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ giúp đỡ chị em phát triển thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm và làm thương hiệu riêng cho sản phẩm làm ra. Từ đó, hỗ trợ xây dựng mô hình và hướng dẫn đăng ký thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị cạnh tranh thị trường.