Bác luôn kêu gọi nhân dân giữ gìn sức khỏe, môi trường sống xanh - sạch - đẹp

19/05/2019 - 10:51
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần kêu gọi: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”.

Trong hồi ức của nhiều đồng chí được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người đến thăm một đơn vị nào đó, Người sẽ đi từ bếp lên nhà; đến làm việc ở một cơ quan nào đó, Người sẽ đi kiểm tra khu nhà ăn, khu vệ sinh trước rồi mới lên chỗ hội họp, đến văn phòng. Thăm hỏi một gia đình công nhân hay một gia đình nông dân hoặc tới thăm một khu tập thể, Người cũng thường như vậy. Trước hết xem xét nơi ăn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò nhân dân ăn ở hợp vệ sinh.

anh-2.jpg
Ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, Người đi kiểm tra các công trình vệ sinh của nhân dân. Ảnh tư liệu 

 

Năm 1965, xã Nam Chính, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã đến tận các công trình vệ sinh, giếng nước, nhà tắm của các gia đình xã viên. Người khen ngợi: “Nam Chính là kiểu mẫu trong công tác vệ sinh phòng bệnh. Từ chỗ uống nước ao tù, đến nay 416 gia đình gia đình đã có 369 cái giếng, 416 hố xí hợp vệ sinh, 82 nhà tắm, 22 tủ thuốc… Kết quả là bệnh tiêu chảy, đậu mùa, toét mắt đã chấm dứt”. Trong chuyến thăm này, Người đã đưa ra vấn đề về sinh phòng bệnh thành phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Bác căn dặn cán bộ: “Cần giáo dục cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”.

Bên cạnh đó, với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần kêu gọi: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Riêng trong 5 điều dạy thiếu niên, nhi đồng, Người nhắc nhở phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.

Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi trồng cây gây rừng và bảo vệ “lá phổi xanh” của đất nước. Trong bài: “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân dân số 2082, ngày 28/1/1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên ngày 5/2/1961 tại vườn hoa Thanh niên Công viên Thống nhất, Người kêu gọi: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Người đã ân cần nhắc nhở: “Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”. Trước đó, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ 3 (23/5/1958), Người đã dẫn chứng: “Núi trọc như đầu bình vôi/Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng/Hàng năm hạn hán tan hoang/Người người đói rách, làng làng xác xơ”.

063b73a16cd86bcbe900cb096d367c5a_tr_4-5.jpg
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên Ảnh tư liệu

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định về nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa mình sống với thiên nhiên: “Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên. Đây không chỉ là khung cảnh mà còn là lối sống đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy đủ tiện nghi. Trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường bị ô nhiễm, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người”.

Trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010, bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm