Bắc Ninh: Để tỷ lệ nữ trúng cử đạt mục tiêu như kỳ vọng

Bài và ảnh: Thu Huyền
14/05/2021 - 11:59
Bắc Ninh: Để tỷ lệ nữ trúng cử đạt mục tiêu như kỳ vọng

Rút ngắn tỷ lệ giữa nam và nữ trong quản lý, lãnh đạo góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Để đảm bảo tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh đạt theo kế hoạch, không chỉ phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, khả năng thuyết phục của các nữ ứng cử viên khi tiếp xúc và vận động bầu cử mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nhận thức về bình đẳng giới của các cử tri.

Tại Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh là 9/48 (đạt 18,75%), trong đó có 3/15 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đạt 20% (tăng 6,7% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện có 55/309 đồng chí, đạt 17,8% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước); cấp cơ sở có 285/1.605 đồng chí, đạt 17,8% (tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước). 

Đặc biệt, Bắc Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều là nữ. Cùng với đó, số phụ nữ tham gia ĐQBH, HĐND các cấp cũng tăng lên: Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV là 2/7 (đạt 28,6%), trong đó có Phó Trưởng đoàn ĐBQH là nữ. 

Nhiệm kỳ 2016-2021, có 15/53 nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh (đạt 28,3%, tăng 0,5% so với nhiệm kỳ trước); 84/289 nữ đại biểu HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố (đạt 29,7%, tăng 6,27% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 5 đơn vị đạt từ 30% trở lên là thành phố Bắc Ninh, Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Du và thị xã Từ Sơn); 715/3237 nữ đại biểu HĐND cấp cơ sở (đạt 22,9%, tăng 1,8% so với nhiệm kỳ trước).

Bắc Ninh: Để tỷ lệ nữ trúng cử đạt mục tiêu như kỳ vọng - Ảnh 1.

Thực tế cho thấy, phụ nữ khi được tín nhiệm bầu tham gia Quốc Hội và HĐND các cấp, chị em luôn hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm - Ảnh minh họa: Kiều Trang

Thực tế cho thấy, phụ nữ khi được tín nhiệm bầu tham gia Quốc Hội và HĐND các cấp, chị em luôn hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm: Vừa đảm nhiệm vai trò là người đại biểu của nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan, tổ chức của mình, vẫn làm tốt thiên chức trông gia đình. Sự tham gia của nữ giới vào các vị trí lãnh đạo chính trị sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan chủ chốt. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chung của các cơ quân công quyền.

Dù vậy, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa, vai trò của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân có thể thấy là do nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Bên cạnh đó, định kiến về giới còn tồn tại trong nhận thức chung của xã hội và do chính phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên đã tác động, làm ảnh hưởng đến số phiếu bầu cũng như thiếu nguồn cán bộ nữ để giới thiệu ứng cử...

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 "Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp đạt trên 35%". Đối với Bắc Ninh, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp  nhiệm kỳ 2021-2026 đều đạt từ 35% trở lên: Danh sách bầu ĐBQH có 9/13 ứng cử viên là nữ, đạt 69,2%; số nữ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh là 43/97% đạt 44,32%, cấp huyện là 191/449 đạt 42,54%, cấp xã là 2080/5355 đạt 38,84%.

"Với tỷ lệ này hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới sẽ thành công và số lượng, chất lượng của nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh sẽ cao hơn nhiệm kỳ trước, phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của các nữ đại biểu vào việc hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri trên địa bàn tỉnh"- Bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.

Công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang được thực hiện khẩn trương, tích cực. Mục tiêu "đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND" có đạt được hay không không chỉ phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, khả năng thuyết phục của các nữ ứng cử viên khi tiếp xúc và vận động bầu cử, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nhận thức về bình đẳng giới của các cử tri. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: "Để cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra thành công tốt đẹp, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần tích cực tuyên truyền, vận động cử tri tại địa phương, chủ động, tự giác, trực tiếp đi bầu cử, sáng suốt lựa chọn những ứng cử viên có đức, có tài, có năng lực, trình độ, đặc biệt cần xóa bỏ định kiến về giới trong nhận thức khi bầu để có thể lựa chọn những đại biểu nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, góp phần đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong chính trị, phát huy tài năng, phẩm chất của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý đất nước, tạo ảnh hưởng trong xây dựng chính sách đáp ứng nhu cầu, lợi ích giới...".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm