pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ ám ảnh khi máu mũi các em chảy ra liên tục
Bác sĩ Phạm Thị Chung (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân
Hai vợ chồng cùng làm ngành y, bác sĩ Phạm Thị Chung và Nguyễn Xuân Thanh đã có những thời điểm "cùng ra trận", cùng khắc phục mọi khó khăn để cống hiến với nghề.
Bác sĩ Phạm Thị Chung công tác tại phòng Di truyền sinh học phân tử - Trung tâm huyết học truyền máu tại bệnh viện Bạch Mai. Còn chồng chị -bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh hiện đang công tác tại Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu cùng bệnh viện. Quen nhau khi tham gia công tác đoàn của viện, anh chị kết hôn và sinh được một cô con gái đáng yêu, năm nay mới vừa lên 2 tuổi.
Cùng làm ở bệnh viện tuyến cuối, nghĩa là chuyên điều trị những bệnh nhân nặng nên công việc của anh chị rất vất vả. Bác sĩ Chung chia sẻ, dù làm cùng bệnh viện nhưng cũng phải 3 ngày vợ chồng mới gặp mặt nhau vì cả hai cùng đi trực. Con còn nhỏ, nên vợ chồng chị phải gửi con về bà ngoại từ lúc bé mới được 1 tuổi. Thế nhưng, hai vợ chồng đều luôn mang tâm tưởng cùng nhau cố gắng, hy sinh cuộc sống riêng để làm tốt nhiệm vụ của ngành.
Không chỉ có thế, anh chị còn thường xuyên lên vùng cao để khám chữa bệnh cho bà con miền núi nghèo. "Tham gia những chuyến công tác vùng cao mới thấy sự nghèo khó, khổ cực của bà con miền núi, nơi đón nhận thời tiết khắc nghiệt, lạnh buốt. Có lần đoàn lên tới Lũng Cú (Hà Giang) là 2-3 giờ sáng, vợ chồng mình cùng đoàn thiện nguyện chỉ kịp lên cất đồ chuẩn bị thiết bị, thuốc men để đón tiếp đồng bào tới khám. Khi thấy người dân phải đi qua mấy quả đồi mới tới được trạm y tế, bọn mình rất xót xa", chị Chung chia sẻ.
Chị vẫn nhớ như in hình ảnh những em bé vùng cao gầy gò, xanh xao, đó là những ký ức khắc khoải trong chị. Ở những nơi còn hạn chế về văn hóa, điều kiện vật chất khó khăn, thì hàng loạt đứa trẻ mắc bệnh cận huyết, suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng vẫn còn đó. Chị vẫn nhớ như in hình ảnh một em bé 5 tuổi mà gùi trên lưng em nhỏ, tay dắt theo một đứa khác mới 2 tuổi với quần áo mỏng manh, cơ thể gầy guộc. "Ám ảnh nhất là máu mũi các em chảy ra liên tục, một màu máu loãng do bệnh cận huyết mà chỉ nhìn thoáng qua thôi đã thấy được", chị Chung ngậm ngùi chia sẻ.
"Nhất ở khoa anh Thanh làm việc, nơi điều trị bệnh nhân ung thư, "nơi sự sống và cái chết" hiện hữu tính bằng ngày, khi mà sự sống đã được định sẵn bằng "án tử". Koa học phát triển, ung thư cũng đã có nhiều phác đồ điều trị lui bệnh tốt, nhưng thực sự để chữa trị là rất tốn kém. Người bệnh không những phải vượt lên tâm lý mà họ còn phải lo toan kinh tế để chữa bệnh. Vì vậy vợ chồng mình cũng thường xuyên kêu gọi bạn bè quyên góp để hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục chữa bệnh" - Chị Chung nói.
Vất vả là thế, nhưng được đồng hành cùng người bạn đời, chị như được tiếp thêm sức mạnh. Được làm việc, hoạt động thiện nguyện cùng nhau là niềm hạnh phúc nhất của cặp đôi bác sĩ này. Và hơn hết, đọng lại sau mỗi chuyến đi là niềm hạnh phúc khi được nhìn thấy nụ cười của mỗi người dân vùng sâu.
Hiện nay, công việc tại phòng Di truyền sinh học phân tử là niềm đam mê của chị Chung. Đó là việc giúp phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh, góp phần lớn trong công tác điều trị lâm sàng, giúp người bệnh được chữa trị kịp thời, lui bệnh.
Chị chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, ngành y nói chung và công việc của chị vẫn đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở trang thiết bị, hoá chất sinh phẩm… cho nên tất cả đội ngũ y bác sĩ đều đang nỗ lực hết sức để cống hiến, vượt qua mọi mặt khó khăn để sống với đam mê mà mình chọn.
Không chỉ có chị, mà hầu hết các nữ y bác sĩ đều đảm nhiệm nhiều nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, làm con… Với ngành y còn phải trực đêm, có khi thức hết đêm và hôm sau vẫn tiếp tục công việc, nhưng nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày, thấy ánh mắt đầy hy vọng của chính họ hay người nhà bệnh nhân, thì các chị cũng không còn cảm thấy mệt nữa.
Chị kể, nhất là giai đoạn dịch Covid-19, những kỷ niệm khó quên đối với chị và đồng nghiệp là những lời cảm ơn từ bệnh nhân và người nhà. Sau dịch, cơ sở, thiết bị, hoá chất sinh phẩm cũng thiếu thốn, nhưng tất cả mọi người đi làm vẫn vui vẻ, cố gắng khắc phục và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vợ chồng bác sĩ cũng mong muốn nền y tế nước nhà được quan tâm và phát triển hơn nữa, để đáp ứng điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như dịch vụ giường phòng, để mỗi bệnh nhân tới viện sẽ thấy được quan tâm, được chăm sóc đầy đủ; cũng như động viên kịp thời tới đội ngũ y bác sỹ cống hiến sức trẻ, trí tuệ cho ngành.
Trong gần 10 năm làm nghề y, với những cống hiến không ngừng nghỉ, bác sĩ Phạm Thị Chung đã đạt được nhiều thành tựu như: Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam; Bằng khen cá nhân xuất sắc của bệnh viện Bạch Mai; Giải nhất "Tài năng bệnh viện Bạch Mai"; Giải Đặc biệt: "Phụ nữ ngành y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm" lần thứ Nhất và chị cũng là đoàn viên xuất sắc của bệnh viện.