Bác sĩ bệnh viện tuyến dưới “nghiện" kê kháng sinh
21/09/2017 - 14:57
Bác sĩ tuyến dưới kê nhiều kháng sinh do chưa có kháng sinh đồ. Ngoài ra, còn do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do kinh nghiệm của bác sĩ, do tâm lý và cả… lợi ích nhóm khi kê đơn.
Tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1, Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, được tổ chức ngày 21/9, Bộ Y tế cho biết, càng ở tuyến dưới, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao.
Một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở nông thôn lên tới 91%, trong khi ở thành thị 88%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các BV tuyến TƯ chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các BV tuyến tỉnh là 35%, tuyến huyện là 45%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 74% bác sĩ chỉ định kháng sinh, kê đơn kháng sinh không phù hợp.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các BV tuyến huyện, tỉnh có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ. Vì vậy, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân chưa có kháng sinh đồ, việc bác sĩ kê nhiều kháng sinh còn do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do kinh nghiệm của bác sĩ, do tâm lý và cả… lợi ích nhóm khi kê đơn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh đang trở lên rất báo động. Kéo theo đó, chi phí y tế, tác động kinh tế, xã hội cũng như gánh nặng bệnh tật và tử vong do kháng thuốc ngày càng tăng. Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế TƯ, các chuyên gia đã phát hiện những vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có.
Trước tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, thì từ 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng.