Bác sĩ bị ung thư thận 15 năm không tái phát bệnh và giảm 18kg nhờ thay đổi 5 thói quen

HOÀNG DƯƠNG
14/09/2022 - 09:20
Bác sĩ bị ung thư thận 15 năm không tái phát bệnh và giảm 18kg nhờ thay đổi 5 thói quen
Sau khi phát hiện mắc ung thư thận, bác sĩ người Nhật Takashi Funato đã ngẫm lại những thói quen của bản thân hàng ngày và đúc rút ra được những bài học giúp anh 15 năm không tái phát bệnh.

Dù kiến thức y khoa phong phú đến đâu, nếu không chú ý đến các thói quen hàng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục và tâm trạng, bạn vẫn có thể mắc bệnh ung thư. 

Sau khi mắc căn bệnh ung thư thận, bác sĩ Takashi Funato, giám đốc phòng khám Funato, Nhật Bản đã nhớ lại những thói quen sinh hoạt của mình trước đây và nhận ra gần như tất cả đều là thói quen xấu.

Bác sĩ Takashi Funato phát hiện mắc ung thư thận vào năm 2007.

Bác sĩ Takashi Funato cho biết khi tình cờ đi kiểm tra sức khỏe vào năm 2007, ông phát hiện bị ung thư thận trái với khối u dài 6cm. Ban đầu, bác sĩ Funato Takashi không tin vì không thấy bản thân có triệu chứng như tiểu máu nhưng cuối cùng, ông vẫn phải chấp nhận sự thật mình bị ung thư.

Tuy nhiên khi suy nghĩ về việc “tại sao bản thân lại mắc bệnh ung thư?”, bác sĩ Takashi Funato đã nhận ra bản thân có 5 thói quen mà 4 trong số đó đều là thói quen xấu. Đồng thời, bác sĩ cũng tìm cách thay đổi 4/5 thói quen đó và giúp bản thân suốt 15 năm không bị tái phát ung thư.

1. Sai lầm: Ăn uống bừa bãi, dùng đồ ăn không lành mạnh

Thay đổi: Ăn gạo lứt, hạn chế ăn thịt đỏ, giảm muối, giảm 18kg thành công

Bác sĩ Takashi Funato cho biết ông đã không ăn bất cứ thứ gì tử tế trước khi phát hiện mắc bệnh ung thư. Ông thường ăn mì gói vào bữa trưa, và các đồ carbohydrate như sườn heo và cơm cà ri vào buổi tối khi đi trực. "Tôi không lo lắng về việc ăn thức ăn nhanh và đồ ăn nhẹ, tôi thích các món thịt, mì và đồ chiên. Tội lỗi lớn nhất của tôi là không quan tâm đến chế độ ăn uống và nghĩ rằng mình không thể bị ung thư", bác sĩ Takashi Funato chia sẻ.

Sau khi phẫu thuật ung thư, bác sĩ đã thay đổi toàn bộ thói quen ăn uống lộn xộn của mình, không chỉ hạn chế ăn thịt đỏ mà còn chú ý sử dụng các thực phẩm lành mạnh, chỉ ăn no 8 phần, chú ý đến thứ tự ăn, thực hiện chế độ ăn kiêng giảm muối và cuối cùng đã giảm được 18kg thành công.

Bác sĩ Takashi Funato cũng cho biết yếu tố quan trọng nhất giúp ông khỏe mạnh sau khi mắc ung thư đó là kiểm soát việc tiêu thụ đường. Ngoài việc hạn chế ăn các món tráng miệng nhiều đường, ông cũng chú ý đến các loại thực phẩm như gạo và khoai. Bác sĩ Takashi Funato khuyên mọi người nên hạn chế gạo trắng và bột mì, thay thế chúng bằng gạo lứt, bột mì nguyên cám...

Yoshimichi Wada, một giáo sư danh dự tại Đại học Kyoto, cũng chỉ ra rằng các loại thực phẩm như gạo trắng khi vào trong cơ thể sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành đường glucose, chất này trở thành nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào ung thư.

2. Sai lầm: Thức khuya

Thay đổi: Đi ngủ sớm và dậy sớm, giấc ngủ ngon có thể làm cho tế bào bạch huyết loại bỏ tế bào ung thư

Bác sĩ Takashi Funato cho biết vì tính chất công việc nên giấc ngủ của ông thường không đều đặn, những khi có việc gấp dù đang ngủ cũng phải dậy làm. Vì điều này khá phổ biến và được các bác sĩ bệnh viện coi là đương nhiên nên bác sĩ Takashi Funato không nhận ra điều đó rất xấu.

Tuy nhiên, giấc ngủ là một trong những chìa khóa quan trọng nhất trong điều trị ung thư. Các tế bào bạch huyết giúp loại bỏ tế bào ung thư chủ yếu nằm trong các dây thần kinh phó giao cảm và dây thần kinh phó giao cảm thường chi phối cơ thể vào ban đêm. Nếu thời gian ngủ ngắn và thời gian hoạt động của dây thần kinh phó giao cảm ngắn thì thời gian tế bào lympho đào thải tế bào ung thư sẽ ngắn lại, tạo điều kiện cho tế bào ung thư tồn tại. 

Vì vậy, bác sĩ Takashi Funato khuyên bệnh nhân ung thư nên ngủ vào lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ sáng, điều chỉnh nhịp điệu giấc ngủ thông qua việc đi ngủ sớm và dậy sớm sẽ tốt hơn.

3. Sai lầm: Lười vận động

Thay đổi: Đi bộ 3.000 bước mỗi ngày, thúc đẩy hoạt động của tế bào bạch huyết 

Bác sĩ Takashi Funato cho biết dù ông đến võ đường tập Aikido mỗi tuần một lần nhưng cho đến trước khi phẫu thuật ung thư, ông không tập thể dục nhiều. Công việc của bác sĩ chủ yếu là ngồi nên số bước đi trung bình mỗi ngày chỉ từ 1.000 đến 2.000 bước, việc vận động khá ít.

Sau khi chữa ung thư, bác sĩ Takashi Funato đã cố gắng đi bộ ít nhất 3.000 bước mỗi ngày. Ông cũng gợi ý mọi người nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là khoảng 3.000 bước và 6.000 bước trong một giờ. 

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tế bào lympho được kích hoạt bởi oxy, đi bộ là bài tập thể dục giúp cơ thể hấp thụ nhiều oxy sẽ thúc đẩy hoạt động của tế bào lympho.

Bác sĩ Takashi Funato chỉ ra rằng nếu bạn đã hình thành thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm, bạn có thể ra ngoài đi dạo sau khi thức dậy lúc 6 giờ. Tắm nắng còn có thể thúc đẩy quá trình tiết ra hormone hạnh phúc serotonin có tác dụng ổn định tinh thần. Sau 15 giờ tiết ra serotonin, hormone gây buồn ngủ melatonin cũng sẽ được tiết ra, khiến người ta cảm thấy buồn ngủ một cách tự nhiên, và cũng có tác động đến việc đi ngủ sớm và dậy sớm đã nói ở trên.

4. Sai lầm: Ăn uống lạnh, tắm nước lạnh

Thay đổi: Luôn chú ý làm ấm cơ thể, hạ nhiệt độ cơ thể có thể giảm khả năng miễn dịch

Bác sĩ Takashi Funato cho biết trước đây ông không quan tâm đến việc làm ấm cơ thể, không chỉ thích tắm nước lạnh mà còn thích ăn đồ lạnh.

Tuy nhiên, ung thư thích hạ thân nhiệt, và thực tế đã phát hiện ra rằng bệnh nhân ung thư có xu hướng thân nhiệt thấp hơn. Do đó, người bệnh ung thư nên ngâm mình trong nước 41-42 độ C trong 10-15 phút để làm ấm cơ thể. Sau khi tắm xong dùng khăn ủ ấm 20 phút cho mồ hôi thoát hết ra, lau sạch mồ hôi rồi mặc đồ ngủ vào.

5. Sống lạc quan, tinh thần tốt có thể làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng miễn dịch

Bác sĩ Takashi Funato tự đánh giá bản thân là người cười nhiều, vui vẻ và khuyến khích mọi người nên làm điều đó thường xuyên. Đây là thói quen duy nhất của bác sĩ được đánh giá là có lợi và không cần thay đổi.

Nếu đôi khi bạn cảm thấy không thể mỉm cười tự nhiên vậy hãy chủ động nở nụ cười. Hãy cố gắng hít thở thật sâu và mỉm cười, áp dụng điều này vào cuộc sống hàng ngày chính là chìa khóa giúp bạn giảm căng thẳng.

Ngoài ra, mặc dù có thể kỳ lạ, nhưng cố tình mỉm cười và nâng cao khóe miệng có thể làm tăng hoạt động miễn dịch. 

Các nhà khoa học khẳng định, cười có tác dụng vô cùng tích cực và quan trọng đối với hệ miễn dịch. Họ còn cho rằng nên xếp việc cười ngang hàng với việc dùng vitamin tổng hợp và xà phòng diệt khuẩn. Với những tác dụng như giảm lượng hoóc môn gây căng thẳng, tăng cường tuần hoàn máu, tăng lưu lượng oxy qua hít thở, giải tỏa các cảm xúc tiêu cực, cười sẽ kích thích hoạt động của hệ miễn dịch và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm