pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ chỉ cách phòng ngừa loại nấm gây viêm, ngứa ở phụ nữ mang thai
ThS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết rất nhiều bệnh nhân nữ than phiền với bác sĩ về triệu chứng ngứa ở vùng kín và ra dịch trắng trong thời gian thai kỳ. Đây không phải là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại khiến các mẹ bầu rất bối rối vì trước đó họ chưa từng gặp phải những triệu chứng này.
BS Thành phân tích: "Triệu chứng ngứa có thể đến từ nhiều lý do, một trong những lý do phổ biến nhất là do nấm Candida. Nhiễm nấm Candida thường xảy ra ở phụ nữ mang thai nhiều hơn do sự thay đổi của nồng độ Estrogen trong thai kỳ đã phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong âm đạo người phụ nữ."
Điều này khiến nấm phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng ngứa âm đạo. Nhưng bà bầu có thể yên tâm vì nấm Candida không gây ảnh hưởng xấu tới em bé và có thể điều trị được bằng thuốc bôi.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm nấm vùng âm đạo
BS Thành chia sẻ: "Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm nấm vùng âm đạo là cảm giác ngứa và nóng rát vùng kín. Âm hộ và vùng lân cận có thể bị sưng hoặc tấy đỏ khiến bệnh nhân khó chịu. Đồng thời, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng tiết nhiều dịch tiết âm đạo, dịch tiết có màu trắng sữa và đặc quánh".
Phụ nữ có thai dùng kháng sinh hoặc không kiểm soát tốt đường huyết có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn. Việc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể khiến nấm phát triển ở âm đạo. Ngoài ra, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể bị lây bệnh từ chồng hoặc bạn tình của mình khi quan hệ tình dục.
Phòng ngừa thế nào?
Để phòng tránh tình trạng này, các chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ có thai nói riêng cần chú ý kỹ về vấn đề vệ sinh vùng kín đúng cách. Sau đây là một vài lời khuyên hữu ích đến từ BS Thành:
- Luôn vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau khi đi vệ sinh để vi khuẩn đường tiêu hoá không lan lên đường sinh dục.
- Không thụt rửa sau khi quan hệ: Việc thụt rửa sau khi quan hệ không mang lại bất kỳ lợi ích nào, thậm chí nó còn có thể khiến vi khuẩn, nấm bị đẩy vào sâu hơn, gây ra những hậu quả nặng nề hơn cho chị em phụ nữ.
- Thay quần lót định kỳ mỗi 3 - 6 tháng và sử dụng các loại quần lót có chất liệu thoáng mát.
- Không nên giặt quần lót chung với các loại quần áo khác.
- Kiểm soát tốt đường huyết và cẩn trọng khi sử dụng thuốc trong thai kỳ.
Ngoài ra, mọi ngươi cũng nên đến các bệnh viện và phòng khám phụ sản để được chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc điều trị kịp thời. Đồng thời, chị em phụ nữ cũng không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh gây nguy hiểm tới sức khoẻ của bản thân và thai nhi.