pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ công an mong có nhiều chuyến đi khám bệnh miễn phí cho người dân biên giới
Bác sĩ của Bệnh viện 198 nhiệt tình khám bệnh, tư vấn cho người dân huyện biên giới Mường Chà
Đây là một trong chuỗi hoạt động thiết thực do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị - Bộ Công an chỉ đạo Ban Phụ nữ, Ban Thanh niên và Ban Công đoàn Công an nhân dân gắn với thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Tháng 3 biên giới - Biên cương Tổ quốc tôi", "Tháng công nhân" nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giúp đỡ người dân nơi biên giới tỉnh Điện Biên cùng chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Vui mừng và yên tâm khi được bác sĩ công an khám bệnh
Con đường biên giới hơn 60 km uốn lượn từ thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến trung tâm huyện Mường Chà ngày trung tuần tháng 3 nắng nhạt và vắng người đi lại. Nhưng ngay từ sáng sớm, trung tâm y tế huyện Mường Chà đã tấp nập, sôi động, khác hẳn mọi ngày.
Anh Bàn Văn Thành, ở tổ 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà đang địu con nhỏ sau lưng, vừa đi lại ở sân dỗ dành con nín khóc. Thành bảo: "Hai bố con em đưa bà nội đi khám bệnh. Cháu hàng ngày quen bà bế, vì vợ chồng em đều đi làm nương từ sáng sớm đến tối mới về. Hôm nay, bà đi khám bệnh sớm, cháu đòi theo bà, nên hai bố con đưa bà nội đi, giờ phải đợi bà khám bệnh xong, mấy mẹ con, bà cháu mới về được".
Bàn Văn Thành là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em. Thành cho biết: "Bố em mất sớm, các anh chị đi xây dựng gia đình và đi làm thuê ở xa, giờ bà nội ở với vợ chồng em và giúp trông cháu nhỏ".
"Mấy năm nay, bà nội bị sỏi thận, sức khoẻ không tốt, nay được các bác sĩ công an ở Hà Nội lên khám bệnh, cho thuốc quý. Bà cũng chờ mấy ngày hôm nay để được các sỹ công an khám bệnh cho yên tâm, cả nhà em đều rất vui" – Bàn Văn Thành vui vẻ nói.
Vừa hoàn thành xong 6 điểm phòng, bàn khám bệnh của chương trình, bà Lò Thị Hương (74 tuổi) ở xóm 1, thị trấn Mường Chà xách 2 tay 2 túi đựng quà và thuốc vừa nhận được của chương trình, hồ hởi khoe: "Bà không ngờ hôm nay được các bác sĩ công an ở Hà Nội lên tận đây khám bệnh cho, còn được tặng nhiều quà. Các bác sỹ cho bà điện tim, siêu âm, khám nhiều lắm, nhưng may bà không sao, chỉ mắt kém thôi. Mọi lần bà cũng có vài lần đi khám bệnh, nhưng không được tặng nhiều thuốc quý thế này. Bà già rồi, không mong gì, chỉ mong có sức khoẻ, mắt đừng mờ đi nữa để nhìn con cháu lớn lên cho vui".
Trong những người đến khám bệnh hôm nay, chị Lý Thị Diên (SN 1984) ở huyện Mường Chà cũng vui mừng vì vừa được khám bệnh miễn phí, được nhận quà là đồ dùng thiết thực cho phụ nữ và gia đình. Chị Diên kể: "Tôi được các bác sĩ công an khám bệnh miễn phí nên rất vui, bà con ai cũng bảo nhau dù bận đến mấy cũng phải đến khám bệnh cho yên tâm".
"Hàng ngày tôi ở nhà trông nhà, ra vườn cắt cỏ nuôi bò. Chồng tôi bỏ 3 mẹ con tôi đi, mấy năm nay không có tin tức gì, con trai lớn 18 tuổi và con gái 15 tuổi đều đang đi học. Nhà tôi cũ rồi, không có tiền sửa, nhưng được Nhà nước cho 1 con bò mẹ, đang nuôi lớn để nó sinh ra bò con, bán đi mới có tiền mua đồ ăn cho cả nhà. Nay được đi khám bệnh không mất tiền, các bác sĩ bảo tôi chưa có bệnh gì đáng lo, vậy là vui lắm rồi. Tôi được nhận quà, nhận thuốc bổ uống cho khoẻ, chỉ mong cuộc sống của 3 mẹ con dần tốt hơn" – chị Lý Thị Diên cho biết.
Chỉ khi người đau ốm thực sự, bà con mới đến cơ sở y tế
Đã gần 11 giờ trưa, thiếu tá, thạc sĩ, bác sĩ Mai Sĩ Bình, công tác tại Bệnh viện 198 (Hà Nội) mới tranh thủ uống cốc nước và lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh chia sẻ: "Tôi đã cùng các đồng nghiệp đi từ Hà Nội lên một huyện biên giới xa xôi ở Điện Biên, tôi không ngờ bà con đến với buổi khám bệnh thiện nguyện lần này của chúng tôi lại đông như thế. Từ đầu giờ sáng chúng tôi bắt tay vào công việc ngay, mà đến gần trưa rồi, tôi mới có thể đứng dậy tranh thủ đi uống cốc nước, bà con vẫn đang xếp hàng chờ tôi được khám tiếp".
"Tôi thấy người dân ở đây ít được chăm sóc sức khoẻ, nên đáng tiếc là nhiều bệnh thông thường của bà con không được phát hiện và chữa trị sớm. Trong đó có những bệnh, nếu là người dân ở Hà Nội hay ở nơi cơ sở y tế tốt hơn thì sẽ được giải quyết dễ dàng. Ví như bệnh nấm tai, bệnh nấm chân răng… Hôm nay, tôi khám và phát hiện nhiều người bị mắc bệnh này".
"Hàng năm, tôi vẫn thường xung phong tham gia những chuyến đi khám bệnh miễn phí như thế này cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa. Trung bình mỗi năm, tôi sẽ đi khoảng 3-4 chuyến. Tôi mong sẽ có nhiều hơn những chương trình ý nghĩa như thế này, để chúng tôi có thể đồng hành khám bệnh, phát hiện bệnh thông thường sớm cho bà con, giúp bà con được chữa trị kịp thời" – Bác sĩ Mai Sĩ Bình bày tỏ.
Được biết, theo dự kiến ban đầu, chương trình khám bệnh miễn phí hôm nay sẽ có 300 người đến khám bệnh. Nhưng đến cuối buổi sáng, số người dân vẫn tiếp tục đến rất đông, chủ yếu là phụ nữ, người già, người trung tuổi đều mong được chúng tôi khám bệnh. Theo cán bộ y tế huyện Mường Chà, danh sách đăng ký, cập nhật lúc này là khoảng gần 400 bệnh nhân đến khám bệnh.
Trong vài phút nghỉ giải lao giữa buổi chiều, trung tá, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Chung, Kỹ thuật viên trưởng của Khoa xét nghiệm vi sinh - Bệnh viện 198 vui vẻ cho biết: "Đây không phải là chuyến đi khám bệnh đầu tiên của tôi đến với đồng bào dân tộc nghèo ở miền núi, vì mỗi năm tôi cũng đi khoảng 3 lần thế này. Nhưng lần này vẫn đầy cảm xúc, vì từ sáng đến giờ, bệnh nhân đến sớm và mong được khám bệnh rất đông".
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Chung, nhiều bệnh nhân bị huyết áp cao, nhưng họ không biết. Cũng có vài người biết mình bị bệnh, nhưng khám xong lại không có điều kiện hoặc không đi khám định kỳ để uống thuốc và theo dõi. "Bệnh nhân chưa ý thức được việc, nếu đã bị bệnh cao huyết áp thì phải uống thuốc hàng ngày, đó là điều tôi trăn trở, lo lắng. Người dân vùng biên giới do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức hạn chế, thường chưa có ý thức đi khám bệnh định kỳ, họ chỉ khám bệnh khi người họ đau ốm thực sự mới đến cơ sở y tế".
"Với mỗi người dân đến khám bệnh, tôi chỉ muốn nói với họ, sức khoẻ là điều quan trọng nhất với mỗi người. Tôi vừa khám, vừa dặn dò bà con cần đi khám bệnh định kỳ để theo dõi sức khoẻ, phát hiện bệnh và điều trị sớm sẽ có kết quả tốt, không để lại hậu quả đáng tiếc. Tôi chỉ mong có thêm các đơn vị, nhà tài trợ sẽ phối hợp cùng chúng tôi, cùng nhau đến nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tư vấn, khám bệnh cho bà con, giúp bà con kiểm soát về bệnh tốt hơn, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc hơn".