Bác sĩ giải đáp những lo ngại về phương pháp “đẻ không đau” - gây tê ngoài màng cứng

Minh Nhật
07/03/2023 - 09:01
Bác sĩ giải đáp những lo ngại về phương pháp “đẻ không đau” - gây tê ngoài màng cứng
Nhiều người khi sinh muốn chọn dịch vụ "đẻ không đau" bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Tuy nhiên lại lo ngại những tác dụng không mong muốn của mũi tiêm này.

"Đau như đau đẻ" là câu nói dân gian mà các cụ nhà ta hay dùng để nói về quá trình chuyển dạ sinh. Đau như xé da, xé thịt; đau như chưa bao giờ được đau; đau khủng khiếp... Tóm lại đau thật là đau.

Cơn đau đẻ này còn được gọi là cơn đau chuyển dạ. Nguyên nhân là do áp lực lên bàng quang và vùng tầng sinh môn do đầu của thai nhi, và do đường sinh dục cũng như âm đạo bị kéo căng... Sự đau đớn này có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ và càng đau dồn dập ở thời điểm mẹ sắp sinh con.

Ngày nay để mẹ bầu giảm bớt ám ảnh về các cơn đau chuyển dạ khi sinh con, các bác sĩ thường tiêm gây mê ngoài màng cứng cho các phụ sản trước giờ sinh. Tuy nhiên không ít người lại lo ngại những tác dụng không mong muốn của mũi tiêm này. Đặc biệt là nỗi sợ đau lưng về sau.

Hiểu lầm số 1 về “đẻ không đau” bằng phương pháp gây mê ngoài màng cứng: Đau lưng về sau, phụ thuộc vào thuốc giảm đau - Ảnh 1.

Bác sĩ Phan Chí Thành – BS nội trú chuyên ngành Sản Phụ khoa, hiện là Chánh VP TT Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là gì?

Bác sĩ Phan Chí Thành - BS nội trú chuyên ngành Sản Phụ khoa, hiện là Chánh VP TT Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp làm mất cảm giác từ bụng đến chân thông qua một mũi tiêm vào sống lưng. Thuốc gây tê được đưa vào ngoài màng cứng qua 1 ống nhỏ (gọi là catheter) sau đó thuốc sẽ phủ kín các dây thần kinh khiến chúng tê liệt, nhờ đó ngăn chặn được quá trình dẫn truyền cảm giác đau.

Gây tê ngoài màng cứng và gây tủy sống là 2 phương pháp khác nhau. Gây tê tuỷ sống thường áp dụng trong mổ lấy thai”.

Hiểu lầm số 1 về “đẻ không đau” bằng phương pháp gây mê ngoài màng cứng: Đau lưng về sau, phụ thuộc vào thuốc giảm đau - Ảnh 2.

Quy trình gây tê ngoài màng cứng giúp thai phụ “đẻ không đau”.

Một số hiểu lầm về giảm đau cho mẹ bầu khi sinh

Dưới đây là những giải đáp của bác sĩ Phan Chí Thành về những hiểu lầm khi mẹ bầu gây mê ngoài màng cứng để “đẻ không đau”:

Hiểu lầm: Nhiều người lo ngại vùng thắt lưng khi gây tê ngoài màng cứng sau này thường đau nhức, đặc biệt là đau lưng vào những ngày thay đổi thời tiết. Đây cũng là lý do khiến nhiều sản phụ nhất quyết không chọn phương pháp giảm đau này khi sinh thường.

Sự thật: Thật ra giữa một người dùng giảm đau ngoài màng cứng với một người không sử dụng thì việc sau sinh, sau mổ phải ngồi cho bé bú, cả hai đều có khả năng đau lưng như nhau.

Lý do nhiều người đau lưng sau sinh là do tư thế sai khi ngồi cho bé bú, thay tã, thức chăm bé, ngồi nhiều hơn là nằm nghỉ ngơi... Thế nên các mẹ, các bà thường đổ lỗi oan cho mũi giảm đau rất tốt này


Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống là một phương pháp

Sự thật: Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng bao gồm việc tiêm thuốc giảm đau vào vùng giữa các đốt sống và dịch tủy sống (hay còn gọi là khoang màng cứng). Thuốc thường có hiệu quả sau 15 phút và có tác dụng kéo dài. Gây tê tủy sống sẽ tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào tủy sống và sẽ có tác dụng ngay sau 5 phút. Với cả 2 thủ thuật này, ống thông để đưa thuốc vào khoang màng cứng sẽ được để lại trong suốt quá trình sinh nở cho đến khi em bé chào đời để có thể thường xuyên tiêm thuốc vào, nếu cần.


Tuy nhiên, tiêm loại thuốc nào, tiêm bao nhiêu thuốc và tiêm thuốc trong bao lâu sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân cũng như từng bệnh viện. Mỗi liều thuốc và kỹ thuật khác nhau sẽ đem lại những kết quả, cùng với những nguy cơ khác nhau. Do vậy, hiểu biết về các thủ thuật này trước khi sinh cùng với việc hỏi ý kiến bác sĩ sẽ giúp các chị em đưa ra được quyết định phù hợp cho mình.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng sẽ làm việc rặn đẻ khó khăn hơn

Sự thật: Một trong số các ưu điểm của việc phối hợp gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng là các chị em sẽ phải dùng ít thuốc hơn so với gây tê ngoài màng cứng thông thường. Thuốc liều thấp sẽ làm việc rặn đẻ dễ dàng hơn so với việc dùng thuốc liều cao, và làm giảm nguy cơ phải sử dụng forcep hay giác hút.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng có thể sẽ không có tác dụng giảm đau

Sự thật: Sau khi được gây tê ngoài màng cứng, chỉ có dưới 5% số phụ nữ cảm thấy không giảm đau. Nguyên nhân có thể là do vị trí và tư thế của em bé hoặc đôi khi là do cần phải tiêm nhiều thuốc hơn. Đôi khi, thuốc chỉ có tác dụng giảm đau ở một bên cơ thể, bởi vì ống đưa thuốc được đặt sai vị trí, bị tắc hoặc do người mẹ nằm trong một tư thế quá lâu. Tuy nhiên, vấn đề này rất dễ khắc phục.

Hiểu lầm: Thuốc gây tê dùng trong thủ thuật có thể gây hại cho em bé

Sự thật: Bất kỳ loại thuốc nào bạn sử dụng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, sinh con cũng có thể có tác động đến em bé. Tuy nhiên, với thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, lượng thuốc đi vào máu của mẹ là khá nhỏ và với thủ thuật gây tê tủy sống, lượng thuốc còn ít hơn nữa.


Cần có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này, nhưng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng rằng một lượng nhỏ thuốc mà em bé hấp thu vào cơ thể có thể gây hại cho em bé.

Hiểu lầm: Gây tê ngoài màng cứng có nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Sự thật: Gây tê ngoài màng cứng rất an toàn trong hầu hết các trường hợp. Nếu biến chứng có xảy ra, thì có thể ảnh hưởng ngắn hạn, chỉ làm sản phụ cảm khó chịu, và rất hiếm khi gây đe dọa tính mạng.


Phản ứng phụ phổ biến nhất là tụt huyết áp, thường xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê liều cao và có thể ảnh hưởng đến em bé. Nhưng nếu được điều trị kịp thời bằng cách truyền dịch, việc tụt huyết áp sẽ không có ảnh hưởng gì đến cả mẹ và em bé.


Một phản ứng phụ khác, cũng thường gặp và có thể điều trị được là buồn nôn, ảnh hưởng đến 20-30% số phụ nữ thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng. Ngứa là phản ứng phụ có thể gặp ở 30-50% số trường hợp.


Một biến chứng khác, rất hiếm gặp, chỉ xảy ra với 1% số bệnh nhân là đau vùng cột sống, kéo dài trong vài ngày và làm bạn cảm thấy vô cùng khó chịu.


Những biến chứng rất hiếm gặp bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, thở chậm hoặc ngừng thở, co giật, thậm chí tử vong nếu thuốc được tiêm đột ngột vào dòng máu. Tuy nhiên, các bác sĩ gây mê thường đã được đào tạo và sẽ không bao giờ để tình huống này xảy ra.

Hiểu lầm số 1 về “đẻ không đau” bằng phương pháp gây mê ngoài màng cứng: Đau lưng về sau, phụ thuộc vào thuốc giảm đau - Ảnh 9.

(Ảnh minh họa)

Mẹ bầu có nên dùng giảm đau khi sinh không?

Những cơn đau xảy ra trong quá trình chuyển dạ có thể khiến cho mẹ bầu đau đớn, vật vã, và rất dễ dẫn đến kiệt sức. Mức độ đau sẽ tăng dần từ lúc mẹ bầu bắt đầu có những cơn đau báo hiệu chuyển dạ cho đến lúc sinh. Việc áp dụng biện pháp giảm đau khi sinh không chỉ làm giảm cảm giác đau khi chuyển dạ mà còn giúp các mẹ bầu nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau cuộc vượt cạn.

Việc tiến hành giảm đau khi sinh giúp mẹ bầu nhận được các lợi ích như:

+ Giảm cảm giác đau khi có cơn gò, khi sổ thai, khi khâu cắt tầng sinh môn hoặc khi mổ, khâu vết thương.

+ Nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi chuyển dạ, tránh những hậu quả xấu của cơn đau đẻ gây ra.

+ Nếu phải sinh mổ hoặc làm thủ thuật sau sinh (như bóc nhau, khâu tầng sinh môn…), mẹ bầu sẽ tiếp tục được giảm đau.

Sau khi tiêm giảm đau, sản phụ cần chú ý điều gì?

Sau khi gây tê ngoài màng cứng, chân mẹ bầu có thể bị yếu, do đó các mẹ cần đề phòng bị ngã. Ngoài ra, theo thống kê, sẽ có khoảng 1% chị em phụ nữ bị đau đầu, khoảng 30% chị em bị ngứa và đau lưng sau khi làm thủ thuật 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên đây là những dấu hiệu không quá nghiêm trọng nên các mẹ cũng không cần quá lo lắng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm