Bác sĩ “mách nước” cách phòng tránh cúm A

Bài và ảnh: An Khê
26/07/2022 - 11:28
Bác sĩ “mách nước” cách phòng tránh cúm A

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kiều Diễm đàn thăm khám cho bệnh nhân.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kiều Diễm (Phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng Hà Nội), cúm A thường lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau. Sốt do cúm A sẽ đi kèm các triệu chứng như viêm họng, ngứa mũi, chảy nước mũi, đau đầu, đau người, hắt hơi, ho. Đồng thời người bệnh sẽ có cảm giác nghẹt mũi kéo dài vài ngày. Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan hoặc ho đờm.

"Ngoài ra, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da vùng mắt sung huyết có thể kết hợp viêm kết mạc, họng đỏ xung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng bệnh nhân khó thở do ngạt mũi, do biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản", bác sĩ Diễm cho biết.

Đồng thời bác sĩ cũng lưu ý khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Phần lớn những trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán là cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú và không cần dùng kháng sinh, những trường hợp có biểu hiện của biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản cần được thăm khám và điều trị đúng phác đồ, nếu trẻ bị biến chứng viêm phổi sẽ cần nhập viện điều trị.

Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng khi được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi có triệu chứng cúm.

Theo bác sĩ Diễm, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất với cúm A là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông - xuân khoảng ba tháng (tháng 7-9 hằng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hằng năm.

Nhóm đối tượng nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em... cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.

Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh không gian sống. Cúm A là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

Cùng với đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, ăn tăng cường các loại hoa quả và bổ sung các loại trái cây có nhiều Vitamin C như cam, hạt hạnh nhân, các loại đậu non còn nguyên vỏ, bông cải xanh… và vệ sinh họng miệng hàng ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm