Đó là bác sĩ Nguyễn Duy Phương-chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ Phương còn có thái độ làm việc chuyên nghiệp, làm việc từ cái tâm, thân thiện với bệnh nhân, tận tình giúp đỡ những gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn đến MEDLATEC khám và chữa bệnh.
Để nâng cao trình độ, anh chấp nhận xa vợ con và gia đình theo đuổi ước mơ. Bởi vậy, có một khoảng thời gian anh lặn lội vào TP.HCM học lớp hiếm muộn IUI và IVF tại khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ và tham gia nhiều hội nghị y sinh sản trong và ngoài nước.
Luôn đồng hành cùng người bệnh
Khi được hỏi về ca bệnh nào khiến anh ấn tượng nhất, bác sĩ Phương vui vẻ kể về câu chuyện của gia đình chị Dung* (Bắc Ninh).
Vợ chồng chị Dung kết hôn được gần 2 năm nhưng chưa có em bé. Gia đình tìm mọi cách chữa trị bằng thuốc tây, thuốc nam nhưng đều chưa thấy kết quả. Thêm nữa, gia đình hai bên đều lo lắng càng tạo thêm áp lực cho vợ chồng anh chị.
Được người quen giới thiệu tới Chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, vợ chồng chị Dung đã đến và gặp bác sĩ Phương. Điều đặc biệt là cả vợ chồng chị đều có bất thường về sinh sản. Vợ mắc buồng trứng đa nang thể nặng, chồng bị tinh trùng yếu và tinh trùng dị tật mức độ vừa. Được bác sĩ tư vấn, anh chị bàn bạc với gia đình và quyết định thực hiện kỹ thuật IUI (kích thích rụng trứng, lọc rửa bơm tinh trùng vào trong buồng tử cung để trứng gặp tinh trùng).
Vì đa nang buồng trứng nặng nên thời gian kích thích buồng trứng dài và đối mặt nguy cơ quá kích buồng trứng. Bình thường quá trình kích trứng khoảng 14 ngày, nhưng với chị Dung quá trình này tương đối dài (20 ngày) và rất may là không xảy ra hội chứng quá kích buồng trứng (một tai biến nguy hiểm trong IUI).
Hai tuần sau khi bơm tinh trùng, chị Dung thử thai lên “2 vạch”, chị không tin vào mắt mình, kiểm tra đi kiểm tra lại bằng nhiều que thử thai khác vì không nghĩ rằng mình lại có thai nhanh như vậy. Ngay lập tức chị đến MEDLATEC kiểm tra, vỡ òa trong hạnh phúc kết quả đúng là chị đang có thai.
Đội mưa đưa bệnh nhân đi mổ cấp cứu
Trong suốt những năm gắn bó với nghề, nói về kỷ niệm nghề nghiệp thì nhiều, nhưng với chị Dung, bác sĩ Phương hẳn sẽ khó quên việc bác sĩ tức tốc đưa chị đi mổ cấp cứu sau một ngày tình cờ đi khám thai định kỳ.
Bác sĩ Phương nhớ lại, hôm đó trời mưa, chị Dung đến viện khám thai định kỳ và tiêm uốn ván mũi thứ 2 vào tuần thứ 32 của thai kỳ.
Gặp lại bác sĩ, chị Dung kể có thấy ra ít dịch âm đạo màu hồng nhạt mà không có biểu hiện đau bụng hay khác thường gì. "Như có linh cảm không tốt, tôi khám ngay thì giật mình thấy dấu hiệu dọa đẻ non, cổ tử cung mở 5 cm, đầu ối võng trong âm đạo trong khi bệnh nhân không có đau bụng. Ngay lập tức, tôi làm thủ tục chuyển viện và đưa chị sang Bệnh viện Phụ sản TƯ mổ cấp cứu. Trộm vía bé chào đời nặng hơn 1 kg, nuôi lồng kính, tiên lượng tốt vì đã được tiêm trưởng thành phổi trước đó. Đến giờ được khoảng hơn 3 tháng và rất kháu khỉnh", bác sĩ Phương kể lại.
Mãn nguyện khi thấy nụ cười của bệnh nhân
Được “Mẹ tròn con vuông”, chị Dung không quên gửi lời cảm ơn bác sĩ. “Sau sinh bé trai được 1-2 ngày, chị Dung nhắn tin cảm ơn, tôi rất vui vì giúp được gia đình chị, cả ngày hôm đó tôi luôn cười, hăng say làm việc như người trúng số độc đắc vậy” - bác sĩ Phương bồi hồi kể lại.
Có thể thấy, tấm lòng người bác sĩ trẻ luôn hết lòng vì bệnh nhân khiến chúng ta nể phục. Với anh, mang lại niềm vui, tiếng cười cho bệnh nhân, giúp thay đổi cuộc sống gia đình họ là phần thưởng quý giá nhất trong thời gian làm nghề.
Với bác sĩ Phượng, niềm mong mỏi lớn nhất của anh là đủ sức khỏe để chữa trị cho nhiều gia đình vô sinh hiếm muộn, bệnh nhân mắc bệnh “thầm kín” khó nói.
Chúc bác sĩ trẻ luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục được cháy mãi ngọn lửa đam mê và cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.