pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ người Nhật 27 năm chưa 1 lần cảm lạnh nhờ 1 món ăn đơn giản tới bất ngờ
Koichiro Fujita là một bác sĩ nổi tiếng Nhật Bản, nhất là trong Miễn dịch học. Hiện nay ông đã 82 tuổi, cả sức khỏe và ngoại hình đều trẻ, khỏe hơn rất nhiều so với tuổi thật, không mắc bệnh tật gì nghiêm trọng.
Đặc biệt, ông từng được nhiều báo đài Nhật Bản phỏng vấn về bí quyết giữ sức khỏe miễn dịch và làm chậm lão hóa. Đáng kinh ngạc nhất là 27 năm gần đây (từ 55 - 82 tuổi), Koichiro Fujita chưa từng một lần bị cảm lạnh.
Cảm lạnh là bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi, liên quan nhiều tới hệ miễn dịch (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Koichiro Fujita chia sẻ: “Mặc dù là bác sĩ nhưng khi còn trẻ, tôi quá bận rộn và chủ quan nên chưa quan tâm đúng mực tới sức khỏe của mình, ăn uống, sinh hoạt cũng khá bừa bãi. Bước sang giai đoạn trung niên, tôi bắt đầu có nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp nhưng cũng là lúc phát hiện mình có dấu hiệu ban đầu của axit uric và lượng đường trong máu cao. Tôi cũng rất dễ bị ốm vặt khi thời tiết thay đổi hay phải thức đêm, làm việc quá sức. Đó là lúc tôi nghiêm túc kiểm điểm lại mình và thay đổi lối sống, đồng thời nghiên cứu sâu hơn để ứng dụng Miễn dịch học. Tôi đã thử nhiều phương pháp khác nhau và cuối cùng tìm ra bí quyết cho riêng mình”.
Khi Koichiro Fujita tiết lộ bí quyết giúp mình khỏe mạnh, 27 năm không cảm lạnh thì rất nhiều người bất ngờ. Bởi vì không phải là cao lương mỹ vị, những món khó chế biến mà bí quyết của ông chính là ăn các món súp rau củ gần như mỗi ngày. Theo ông, cảm lạnh là bệnh liên quan rất nhiều tới hệ miễn dịch, trong khi các món súp rau củ giúp tăng cường sức khỏe đường ruột - chìa khóa của miễn dịch khỏe.
Koichiro Fujita giải thích rõ hơn: “Việc ăn uống không kiểm soát trong thời gian dài dễ dẫn đến dư thừa đường và dẫn đến các bệnh như béo phì, tiểu đường. Nếu muốn kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể thì uống súp rau củ có tác dụng làm ấm cơ thể là cách tốt nhất. Ngoài ra, sử dụng những nguyên liệu tốt cho đường ruột, đồng thời có tới 70% tế bào miễn dịch trong ruột khỏe mạnh, tự nhiên sẽ không dễ dàng bị bệnh, nhất là các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh”.
4 món súp rau củ chống cảm lạnh, tốt cho miễn dịch được bác sĩ gợi ý
Bác sĩ Koichiro Fujita nhấn mạnh rằng muốn miễn dịch khỏe, sức khỏe tốt thì chế độ ăn uống tích cực cần được duy trì lâu dài. Vì vậy, với các món súp rau củ mà ông ăn thường xuyên cũng hướng tới sự đơn giản về cả nguyên liệu và cách chế biến. “Nếu quá phức tạp sẽ khó thực hiện và duy trì nên chỉ cần ăn món súp rau củ 1 lần trong ngày vào 1 trong 3 bữa chính. Chú ý tới cả sự đa dạng thực phẩm, lượng ăn vừa phải, kết hợp đầy đủ dinh dưỡng với thực phẩm khác, nấu kỹ để tiêu hóa dễ hơn. Sau hai tuần là đủ để nhận ra những thay đổi về cả sức khỏe, ngoại hình, tâm trí” - ông nói.
Ông cũng tiết lộ 4 công thức nấu súp rau củ đơn giản và tốt nhất, được ông sử dụng thường xuyên nhất trong 27 năm qua bao gồm:
1. Súp nấm, đậu hũ nấu giấm
Nói về món này, bác sĩ Koichiro Fujita chia sẻ: “Giấm có thể thúc đẩy nhu động ruột và tăng vi khuẩn tốt. Kết hợp với nấm và giá đỗ giàu chất xơ, nó có thể duy trì sức khỏe đường ruột, nâng cao khả năng miễn dịch.Vị cay của ớt và dầu ớt, tỏi cũng có thể làm tăng quá trình trao đổi chất, chống cảm lạnh”.
Súp nấm, đậu hũ nấu giấm rất tốt cho sức khỏe, nhất là vào mùa lạnh (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu cho 2 người: 50g nấm, 150g đậu phụ, 100g giá đỗ, 1/2 thìa tỏi băm nhuyễn, 1 quả ớt đỏ bỏ hạt, 1 thìa dầu mè, 3 thìa giấm, 1 thìa rượu, 1/4 thìa đường, nước dùng tạo độ ngọt nếu có.
Cách nấu: Cho dầu mè, tỏi, ớt đỏ vào nồi, đun lửa vừa, xào cho đến khi có mùi thơm thì cho giá đỗ vào xào. Sau khi chiên chín các loại nguyên liệu, bạn cho đậu hũ chiên xơ vào nồi xào nhanh tay. Sau đó thêm nước và đun sôi kỹ thì thêm nấm, nấu thêm 3 - 5 phút, nêm dầu mè và muối, đường, rượu đun thêm 2 phút rồi tắt bếp, bỏ giấm và dầu ớt vào là hoàn thành.
2. Súp bắp cải + cà chua + cánh gà
Theo bác sĩ Koichiro Fujita: “Bắp cải rất tốt cho tiêu hóa, cà chua thì tốt cho mạch máu và tăng cường miễn dịch. Giấm cũng là nguyên liệu tuyệt vời cho sức khỏe đường ruột. Món này có thể làm món chính luôn vì có thịt gà".
Nguyên liệu cho 2 người: 4 cánh gà, 1/4 cái bắp cải, 6 quả cà chua nhỏ, 1/2 củ cà rốt, 2 cây nấm hương, muối, tiêu đen và giấm.
Cách nấu: Cắt bắp cải thành miếng lớn hơn luộc bình thường, cà rốt cắt dọc miếng vừa ăn, nấm hương thái mỏng. Cánh gà nêm gia vị trước, xào qua rồi thêm cà chua, đảo khi cà chua nhuyễn thêm nước và đun sôi thì thêm nấm. Vặn lửa nhỏ nấu khoảng 20 - 30 phút, chín nhừ thì nêm muối, tiêu đen rồi đun thêm 5 - 10 phút rồi thêm 1 - 2 thìa giấm theo chuyển động tròn. Như vậy là hoàn thành.
3. Súp khoai mỡ + sữa đậu nành
“Khoai mỡ rất giàu chất xơ và tốt cho miễn dịch đường ruột. Bạn có thể nghiền chúng và nấu món súp lạnh hoặc nóng tùy theo mùa. Chất nhầy trong khoai mỡ kết hợp với một chút cá ngừ và sữa đậu nành còn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu protein” - bác sĩ Koichiro Fujita nói.
Nguyên liệu cho 2 người: 150g khoai mỡ, 55g cá ngừ - có thể thay bằng nước dùng tạo vị, sữa đậu nành tươi khoảng 150ml, rau mùi, ớt đỏ, một nhúm đậu phộng, nước mắm, 1/4 thìa đường, 1/2 thìa tỏi băm.
Cách nấu: Khoai mỡ gọt vỏ ngâm trong nước có pha chút giấm khoảng 20 phút (không tính thời gian ủ), sau đó rửa sạch bằng nước sạch rồi lau khô. Cắt ớt đỏ thành lát mỏng. Nghiền khoai thành nhuyễn, đổ cá ngừ đóng hộp đã ráo nước vào và trộn đều. Thêm nước dùng và sữa đậu nành vào, trộn đều và nêm gia vị. Đổ vào tô và rắc rau mùi, ớt đỏ và đậu phộng rang lên trên.
4. Súp sữa + cà ri + hành tây
“Chỉ mất 15 phút cho món súp này. Trong khi ngoài tốt cho tiêu hóa, miễn dịch thì chất propyl sunfua trong hành tây có tác dụng lọc máu và có thể chuyển hóa thành các thành phần ngăn ngừa đông máu và xơ cứng động mạch khi đun nóng. Các loại gia vị như bột cà ri có thể làm ấm cơ thể và thúc đẩy quá trình lưu thông máu” - bác sĩ Koichiro Fujita nói.
Hành tây không chỉ ngon miệng mà còn tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu cho 2 người: khoảng 250g hành tây, 1 muỗng canh dầu ô liu, 1/2 muỗng cà phê bột cà ri, khoảng 150ml sữa, lá nguyệt quế, muối, tiêu, hành lá, 1 - 2 thìa nước dùng có vị thịt/xương.
Cách nấu: Cắt hành tây thành từng lát mỏng dọc theo sợi. Đổ dầu ô liu vào nồi, đun nóng ở lửa vừa, cho hành tây vào xào cho đến khi mềm, sau đó rắc bột cà ri vào xào chín. Cho nước dùng xương/thịt và lá nguyệt quế vào nồi, đun sôi. Loại bỏ bọt và nấu trên lửa vừa hoặc thấp trong 7 đến 8 phút. Đổ sữa vào và đun sôi lại, nêm muối và hạt tiêu đen rồi đun thêm 5 phút sau đó múc ra tô rối mới thêm hành lá.
Koichiro Fujita nói thêm, đây là những công thức tốt nhất với ông và được ông yêu thích về hương vị. Đương nhiên, khi áp dụng chúng ta có thể lựa chọn các công thức khác theo sở thích, miễn là kết hợp thực phẩm hợp lý, tốt cho miễn dịch và tiêu hóa khỏe, ít đường, dầu mỡ và dễ nấu.