Bệnh nhân bị SXH nhiều khiến các BV quá tải. Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, trung bình mỗi ngày BV khám và điều trị cho từ 1.000 đến 1.200 bệnh nhân bị SXH, cao gấp 5 lần so với bình thường.
Trước tình hình đó, ngày 7/8, Ban Giám đốc BV đã quyết định thu dọn hội trường để kê thêm giường cho bệnh nhân điều trị, còn bác sĩ phải ra hành lang làm việc. Không những thế, BV đã kê thêm 400 giường nhưng vẫn không đủ chỗ, các loại máy truyền dịch, máy thở cũng đang thiếu trầm trọng do bệnh nhân quá đông”, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh Nhiệt đới TƯ thông tin.
Còn tại BV Đa khoa quận Đống Đa, mỗi ngày BV khám và điều trị cho 400 đến 500 bệnh nhân bị SXH, trong đó khoảng 20% phải nhập viện. Vì vậy, phòng làm việc của BS cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch.
Theo Bộ Y tế, hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh SXH cũng như thuốc đặc trị. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là phòng tránh muỗi đốt và diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.
- Mặc quần áo dài che kín tay, chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi.
- Sử dụng thuốc diệt muỗi; dùng các dụng cụ bắt muỗi.
- Ngủ trong màn/mùng để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.
- Phá vỡ chu kỳ lây truyền muỗi. Muỗi nhiễm virus khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của virus SXH.