Bác sĩ và bệnh viện trách nhiệm gì khi xảy ra tai biến y khoa?

19/01/2018 - 10:58
“Nếu nhân viên y tế làm sai các quy trình điều trị khiến sức khỏe, tính mạng của người bệnh bị ảnh hưởng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân”, luật sư Nguyễn Hoàng Trung nói.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai biến y khoa khiến dư luận lo lắng. Đặc biệt, có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng như điều dưỡng tại Hà Nội tiêm nhầm thuốc khiến bệnh nhi nguy kịch, hay có trường hợp đưa nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến bà bầu mất con… Dư luận lo lắng và đặt câu hỏi, liệu trách nhiệm của những người liên quan như y bác sĩ, điều dưỡng và BV đến đâu?

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và anh em (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng thì cả nhân viên y tế và BV cùng phải chịu trách nhiệm.
20108584_1523480117672336_855732016502046061_n.jpg
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung

Theo đó, nếu nhân viên y tế làm sai các quy trình điều trị khiến sức khỏe, tính mạng của người bệnh bị ảnh hưởng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc mà tòa án xử lý theo luật định. Ngoài ra, nhân viên y tế còn phải chịu trách nhiệm trước BV về công việc của mình đối với BV.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh, họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường (nếu có) theo Điều 76 của Luật Khám chữa bệnh. Đây là trách nhiệm dân sự và mức độ bồi thường tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.
 
Thực tế, khi xảy ra sự cố, nhiều nơi người nhà tập trung tại BV yêu cầu giải quyết. Luật sư Trung cho rằng đây là việc làm chính đáng của gia đình bệnh nhân, bởi họ có quyền yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh đền bù các thiệt hại. Đồng thời, yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh xử lý các y, bác sĩ làm sai khi xảy ra sự cố. Tức họ được yêu cầu BV thực hiện trách nhiệm của mình.
bbb-1499257068625.jpg
Bác sĩ Hoàng Công Lương (mặc áo trắng) liên quan đến sự cố chạy thận
ở BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 người chết

“Việc người nhà tập trung đông tại cơ sở khám chữa bệnh để yêu cầu bồi thường thiệt hại không có gì sai. Tuy nhiên, nếu người nhà có các hành vi phá hoại tài sản hay gây rối trật tự công cộng thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những hành động đó”, luật sư Trung nói.

Đối với các trường hợp nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc, chỉ định nhầm, mổ nhầm… dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng thì phải căn cứ vào kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng để xử lý.

Theo đó, sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng phải thành lập Hội đồng chuyên môn hoặc Hội đồng y khoa để xác định nguyên nhân sự việc. Hội đồng sẽ xem xét đó là lỗi chủ quan của y, bác sĩ hay là tai biến mà không phải do lỗi của họ. Căn cứ vào đó, cơ quan điều tra sẽ xác định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xử lý. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm