pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bậc thầy y học cổ truyền sống thọ 103 tuổi: Bí quyết từ sở thích ăn 3 loại cá quen thuộc
Giáo sư Đặng Thiết Đào (1916- 2019) là một bậc thầy về y học cổ truyền Trung Quốc. Ông vừa là bác sĩ, vừa là giáo sư tại Đại học Y học Cổ truyền Quảng Châu.
Năm 2009, khi đã 93 tuổi, vị giáo sư này được trao bằng "Thạc sĩ y học cổ truyền Trung Quốc" đầu tiên do Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội, Bộ Y tế và Cục Quản lý Nhà nước về Y học cổ truyền Trung Quốc cấp.
Tháng 12/2017, giáo sư Đặng Thiết Đào được nhận "Giải thưởng Kỳ Hoàng" do Đại học Y khoa Bắc Kinh trao tặng để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển của y học Trung Quốc.
Với kinh nghiệm hơn 70 năm nghiên cứu về y học cổ truyền, giáo sư Đặng hiểu rõ các bí quyết bảo vệ sức khỏe. Ông luôn tâm niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hàng ngày, vị giáo sư xây dựng riêng cho bản thân lịch trình sinh hoạt rất cụ thể và cân đối.
Lịch trình sinh hoạt giúp giáo sư Đặng Thiết Đào sống thọ 103 tuổi
- Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên giáo sư Đặng làm đó là đánh răng rồi uống 1 cốc nước ấm. Bởi sau 8 tiếng ngủ, cơ thể đang thiếu nước và rất cần bổ sung nước để mọi cơ quan có thể làm việc một cách trơn tru.
Sau đó ông sẽ dùng lược chải đầu và xoa bóp tai, hành động này giúp tăng tốc độ tuần hoàn máu sau khi ngủ dậy, giúp cơ thể tỉnh táo. Tiếp đó, vị giáo sư sẽ tiến hành đo huyết áp và ghi lại chỉ số huyết áp theo từng ngày.
- Vào 8-9h sáng, ông sẽ bắt đầu ăn sáng. Bữa sáng của giáo sư không thể thiếu sữa vì thức uống này rất giàu protein. Vị giáo sư cho hay, uống nhiều sữa có tác dụng bồi bổ dinh dưỡng thiếu hụt, ích phổi, lợi dạ dày, dưỡng ruột, an thần, bổ sung canxi hiệu quả, phòng chống loãng xương.
- Sau khi ăn sáng xong, ông Đặng sẽ bắt đầu làm việc, công việc thường kéo dài khoảng 2,5 giờ. Đến khoảng 11 giờ trưa, giáo sư sẽ uống một tách trà nóng rồi chuẩn bị ăn trưa. Sau khi ăn trưa xong, giáo sư sẽ đọc báo một lúc và sau đó ngủ trưa. Vị chuyên gia đánh giá giấc ngủ trưa có vai trò rất quan trọng bởi nó quyết định chất lượng làm việc của bạn vào buổi chiều.
- Sau giờ nghỉ trưa, giáo sư Đặng tiếp tục làm việc. Công việc của ông kết thúc vào lúc 5h chiều. Lúc này ông Đặng sẽ vận động thư giãn trong vòng 20 phút để giải tỏa áp lực thắt lưng, chân và cột sống cổ do làm việc quá lâu.
- 6h tối mỗi ngày là thời gian giáo sư ăn tối. Giáo sư khuyên nên ăn tối đúng giờ vì nó quyết định chất lượng giấc ngủ của bạn vào ban đêm.
- 9h tối là lúc giáo sư đi tắm, cách tắm của ông rất khác biệt đó là luân phiên dùng nước nóng và nước lạnh. Phương pháp tắm nước nóng lạnh xen kẽ của ông Đặng có thể không phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nó giúp ông có làn da khỏe mạnh.
- Sau khi tắm rửa sạch sẽ, ông sẽ quay lại đo huyết áp, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng người cao tuổi nhất định nên chú ý đo huyết áp đều đặn.
- Vào mùa đông ông Đặng sẽ chuẩn bị nước nóng để ngâm chân.
Thực phẩm yêu thích của vị giáo sư chính là 3 loại cá quen thuộc
Khi được hỏi về chế độ dinh dưỡng để gìn giữ sức khỏe, giáo sư Đặng Thiết Đào từng nói rằng bản thân chỉ có 4 chữ: "Ăn uống đa dạng".
Chế độ ăn của ông thường có hoa quả, ngũ cốc, rau, thịt. Ông cũng duy trì thói quen chỉ ăn no 7 phần, ưu tiên các món nhạt. Ngoài cơm, giáo sư Đặng mỗi tuần sẽ ăn 2 bữa khoai lang, khoai tây, khoai môn hoặc yến mạch...
Giáo sư Đặng Thiết Đào nhấn mạnh rằng bản thân rất thích ăn cá. Có thể nói cá là loại thịt mà ông ăn nhiều nhất trong đời. Lý do là bởi cá giàu đạm, ít mỡ, đặc biệt đạm trong cá rất dễ tiêu hóa và hấp thụ...
Loại cá nào giáo sư Đặng cũng có thể ăn được, tuy nhiên ông đặc biệt thích 3 loại cá nước ngọt là cá diếc, cá trắm cỏ và cá mè hoa.
Theo giáo sư, cá diếc tốt cho khí và lá lách, lợi tiểu và tiêu sưng. Cá trắm cỏ có tác dụng ấm bụng, điều hòa dạ dày, cho nên những ai thường tỳ vị hư nhược có thể ăn nhiều.
Riêng cá mè hoa có một bộ phận mà vị giáo sư rất thích đó là phần thịt dưới mang cá, phần này không chỉ có hương vị thơm ngon, dễ ăn, mà còn giàu collagen. Chất này có thể làm cơ thể tránh được lão hóa và sửa chữa các tế bào mô, góp phần kéo dài tuổi thọ.