Bài 1: Chất lượng không khí Hà Nội báo động, đâu là nguyên nhân?

Linh Trần
30/03/2020 - 12:09
Bài 1: Chất lượng không khí Hà Nội báo động, đâu là nguyên nhân?
Những cuối năm 2019, đầu năm 2020, Hà Nội liên tục được cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI ở mức cao. Thậm chí, có thời điểm Hà Nội là một trong những thành phố được cho là ô nhiễm nhất thế giới khiến Bộ Y tế phải khuyến cáo người dân không nên ra đường nhiều.

Báo động chất lượng không khí Hà Nội?

Hiện nay, ô nhiễm không khí là mối nguy hại lớn cho sức khỏe con người. Theo các chuyên gia y tế, một người lớn trung bình hít thở khoảng 15m3 không khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến toàn cơ thể, bao gồm cả tim, gan, phổi và hệ hô hấp, hay ngay cả thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên môi trường), những ngày cuối tháng 12/2019 và đầu năm 2020, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP.HCM có xu hướng giảm mạnh, nhiều ngày ở mức xấu, rất xấu, thậm chí là nguy hại. Cụ thể, lúc 14h ngày 21/2, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) tại một số điểm Hà Nội đạt 314. Đây là ngưỡng cảnh báo chất lượng không khí cao nhất, nguy hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Trong 97 thành phố trên thế giới được đo cùng thời điểm, Hà Nội là thành phố duy nhất trên thế giới có chất lượng không khí được cảnh báo ở ngưỡng nguy hại. 

Trước đó, lúc 7h cùng ngày, Air Visual đã xếp hạng Hà Nội đứng thứ 2/97 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với ngưỡng cảnh báo màu tím, AQI là 219.

Bài 1: Chất lượng không khí Hà Nội báo động, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 1.

Có thời điểm Hà Nội có chỉ số ô nhiễm cao nhất thế giới

Không chỉ ngày 21/2, một số ngày chỉ số ô nhiễm của một số Hà Nội luôn ở mức cao và kéo dài cả tuần. Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo TP. Hà Nội sớm có biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí. Cũng vì thế, người dân Hà Nội khi ra đường thường phải mang khẩu trang. "Có những ngày ở Hà Nội buổi trưa mà cứ ngỡ như sáng sớm bởi không khí mù. Thậm chí lái xe ô tô phải bật đèn để đi. Điều đó cho thấy không khí ô nhiễm như thế nào. Cũng vì thế, mỗi khi ra đường tôi đều phải dùng khẩu trangg để bảo vệ đường thở", chị Nguyễn Thị Vân, phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) chia sẻ. 

Theo các chuyên gia, AQI (Air Quality Index) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí, cho biết không khí xung quanh là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm. Chỉ số AQI tập trung vào sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiễm.

Tổng cục Môi trường cho biết, AQI được thể hiện theo thang điểm, gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt là màu xanh; AQI từ 51 - 100 thì chất lượng không khí trung bình (màu vàng); AQI  từ 101 - 150 chất lượng không khí kém (màu da cam); AQI từ 151 – 200 là chất lượng không khí xấu (màu đỏ); AQI từ 201 – 300 thì, chất lượng không khí rất xấu (màu tím); AQI từ 301 - 500, chất lượng không khí nguy hại (màu nâu).

Nguyên nhân nào gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Để có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí cần phải xác định được nguyên nhân gây ô nhiễm. Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho rằng, nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội có nguồn từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc. Theo đó, bụi từ các nhà máy được vận chuyển về Hà Nội theo cơ chế gió cuốn. Vì thế, với những nhà máy sản xuất ximăng ở Hà Nam, Ninh Bình, Lạng Sơn, nếu thuận theo chiều gió, tốc độ gió sẽ đưa nguồn bụi này đi các nơi, có thể cuốn về gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Dù vậy, ông Sính cho rằng, vẫn chưa thể tính toán được tỉ lệ gây ô nhiễm không khí của các nhà máy ximăng hay điện than.

Một nghiên cứu "Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế IIASA (Áo) công bố tháng 10/2018, cho biết, nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Đây là loại bụi siêu nhỏ, có trong thành phần phần không khí do các hoạt động của con người tạo ra. Trong khi đó, ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5microgram/m3 vào lượng PM2.5 (năm 2011) và ước tính tăng lên 12microgram/m3 vào năm 2030. Trong khi đó, giới hạn nồng động PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ là 10microgram/m3.

Bài 1: Chất lượng không khí Hà Nội báo động, đâu là nguyên nhân? - Ảnh 2.

Các phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí ô nhiễm

Nhiều chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến không khí ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguyên nhân chính là phát thải từ giao thông. Bà Lê Thị Thanh Hương (Trường Đại học Y tế Công Cộng) cho biết, đã có nghiên cứu gần đây nhằm đánh giá về tiềm năng sử dụng kỹ thuật mô hình phân tán để vẽ bản đồ nồng độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Trong đó, lượng khí thải xe máy đã được chứng minh là nguồn phát thải chính của các phương tiện giao thông, chiếm 90- 95% của tất cả các khí thải xe cộ và đóng góp 56% lượng khí thải NOx, 65% lượng khí thải SO, 94% CO và 86 % PM10.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Hà Nội, hiện thành phố có trên 7,5 triệu phương tiện giao thông gồm xe máy, xe tải, xe bus, xe hơi. Mỗi loại xe đều phát thải những bụi khí rất độc, phần lớn là bụi mịn. GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt cho biết, trong khí phát thải của xe cộ thì có hai loại. Thứ nhất là hạt do xe cộ trực tiếp phát ra (dưới 2,5micron), chủ yếu là những hạt từ động cơ, cháy không hết nên phát ra (bồ hóng). Loại thứ hai là khi xe chạy, lốp bị bào mòn và từ đó phát ra những hạt khác. Hơn nữa, bụi đất ở trên đường, có những loại bụi mịn vẫn theo xe tung lên. Nhưng cái mà ít người để ý, đó là nó phát ra những khí rất độc như NO2, Benzen,... Các khí đó, sau một thời gian lan truyền trong khí quyển, sẽ trở thành hạt. Những hạt đó phần lớn rất là bé, phần lớn là dưới 1micron, gọi đó là hạt thứ cấp. Những hạt đó là một bộ phận rất lớn trong hạt bụi mịn. Bụi mịn đi sâu vào cơ thể để lại nhiều độc tố trong phổi. Trong khi đó, diện tích mặt đường ở Hà Nội quá bé so với tổng diện tích nên xe cộ phải chen chúc nhau.

Hơn nữa, trong cấu trúc đô thị của Hà Nội chủ yếu là bê tông, có rất ít khoảng trống dành cho cây xanh, hồ nước. Vì thế, có một hiện tượng là ban ngày ánh nắng mặt trời đốt nóng mặt đất, tối đến thì xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Theo đó, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất tăng lên theo độ cao (bình thường là giảm theo độ cao). Vì vậy, ô nhiễm không phát tán ra được và đó là lý do Hà Nội có rất nhiều bụi vào đầu mùa khô.

Một hiện tượng nghịch nhiệt nữa, tức là nhiệt độ không giảm mà lại tăng theo độ cao, khoảng 500m trên mặt đất, thường xảy ra sau tháng Giêng, tháng Hai mà thường gọi là mù. Có 2 loại mù là bụi mù và loại mù khí tượng. Loại mù khí tượng thường dày đặc đến mức máy bay không lên xuống được. Như vừa rồi, đầu tháng 12/2019, từ 7 cho đến 14, gần như là 7 ngày liên tục, hàm lượng bụi ở Hà Nội đã tăng lên sau giờ chập tối, trên 200microgram/m3, thậm chí có nơi trên 300microgram/m3. Mãi đến khuya, hàm lượng này vẫn còn cao, rồi đến sáng mới bớt dần. Cho nên nhiều người không hiểu tại sao ban đêm xe cộ không chạy nhiều mà ô nhiễm không lại cao hơn ban ngày".      

Báo cáo do tổ chức Global Alliance on Health and Pollution (Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm) công bố tháng 12/2019 cho thấy có hơn 71.300 người đã chết vì ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Trong đó, khoảng hơn 50.000 người chết vì ô nhiễm không khí trong năm 2017. Tính về số người chết vì ô nhiễm, Việt Nam đứng thứ tư ở khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc (1,8 triệu người), Philippines (86.650 người) và Nhật Bản (82.046 người ).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm