Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng với trẻ nhỏ

Ngự Bình
13/03/2020 - 12:52
Ô nhiễm không khí: Sát thủ thầm lặng với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương với ô nhiễm không khí do quá trình chuyển hóa, trao đổi chất chưa phát triển hoàn thiện.

Số ca nhập viện do viêm phổi tăng do NO2

Tại tọa đàm "Lựa chọn năng lượng hôm nay, tác động sức khỏe ngày mai" do Đại sứ quán Mỹ tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Nghiên cứu viên tại trường Đại học Y tế Công cộng, cho biết, ô nhiễm không khí tác động xấu đối với sức khỏe trẻ em. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em Hà Nội có liên quan đến sự gia tăng của nồng độ các chất ô nhiễm không khí. Thủ phạm chính là các chất ô nhiễm có nguồn gốc từ khí thải của phương tiện giao thông như NO2 (Nitơ dioxit), CO (cacbon monoxit) và bụi mịn PM2,5. Tỷ lệ NO2 liên quan đến bệnh viêm phổi. Ví dụ, khi trung bình NO2 trong 1 tuần tăng thêm 22 microgam/m3 thì số ca nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ em Hà Nội mắc bệnh tăng trung bình 15, 16 trẻ/ngày. Tác động này lên trẻ trong độ tuổi 1-5 lớn hơn trẻ sơ sinh.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Nghiên cứu viên tại trường Đại học Y tế Công cộng

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Nghiên cứu viên tại trường Đại học Y tế Công cộng

Ngoài ra, năm 2019, nghiên cứu của bà Trang Nhung và cộng sự cũng cho thấy, nồng độ O3 (ozone) trong không khí tăng lên cũng làm tăng thời gian nằm viện do các bệnh hô hấp dưới ở trẻ em Hà Nội. Mùa hè ảnh hưởng cao hơn do trẻ em dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài. Trẻ 1-5 tuổi chịu tác động mạnh hơn so với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi do hoạt động bên ngoài nhiều hơn và thời gian phơi nhiễm với không khí bên ngoài cao hơn.

Hai mẹ con phải đi trên con đường đầy bụi hàng ngày

Hai mẹ con phải đi trên con đường đầy bụi hàng ngày. Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.

Được giới chuyên gia gọi là "sát thủ thầm lặng và toàn diện" vì bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Ở Hà Nội, mật độ giao thông ngày càng gia tăng và những năm gần đây cả thành phố như một đại công trường xây dựng khổng lồ nên tình trạng ô nhiễm bụi PM2,5 ngày càng nghiêm trọng. Do đó, người dân có nguy cơ bị phơi nhiễm với PM2,5 và các chất ô nhiễm không khí ngày càng cao. Bụi siêu nhỏ PM 2.5 làm tăng ca nhập viện do đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Do đó, vào những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI đối với bụi PM2,5 kém, xấu đến nguy hại (thể hiện bằng màu cam, đỏ, tím, nâu) thì nên giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường đặc biệt là giờ cao điểm và nếu phải ra ngoài đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2,5. Trẻ em thì càng cần đặc biệt chú ý hơn.

Một em bé được đưa đi khám vì nghi viêm phỗi

Tỷ lệ trẻ em phải đi khám bệnh tăng cao vì ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa

PM2,5 năm 2019 của Hà Nội là 46,9 microgram/m3, vượt quy chuẩn của WHO hơn 4 lần

Cũng tại hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội đáng báo động. Trong năm 2019 chứng kiến những đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài vào các tháng 9, 10, 11, 12 kéo theo đến tháng 1, 2 năm 2020. Theo báo cáo của IQAir (Công ty công nghệ và thông tin chất lượng không khí toàn cầu), nồng độ PM2,5 trung bình năm của Hà Nội là 46,9 microgram/m3, tăng mạnh so với mức 40,1 microgram/m3của năm 2018. Nồng độ PM2,5 này vượt xa giới hạn cho phép trong quy chuẩn trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3, gấp 4 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh

Bà Khanh cho biết Green ID rất quan tâm đến phát triển năng lượng bền vững vì nếu nền năng lượng phụ thuộc năng lượng điện than sẽ rất có hại cho môi trường. Phát thải nhà máy nhiệt điện than sẽ dẫn đến tất cả các loại chất gây ô nhiễm chủ yếu như NO2, SO2, chì, thủy ngân. Trong đó, nguy hiểm nhất là bụi PM 2,5 có kích thước bằng 1/30 sợi tóc. Nhiệt điện than không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Một nhà máy nhiệt điện than công suất 1.200 MW trong một vòng đời 35 năm của mình có phát thải: 17.018 kg chì; 1.658 kg thủy ngân; 26.182 tấn bụi.

Ô nhiễm do nhiệt điện

Khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chỉ ra ô nhiễm không khí khiến khoảng 50.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại ước tính là 10,8-13,2 tỷ USD, chiếm khoảng trên dưới 5% GDP cả nước. Trong đó bao gồm thiệt hại trực tiếp như chi phí khám sức khỏe, mua máy lọc không khí và thiệt hại gián tiếp như giảm năng suất lao động.

Tổ chức Hòa bình xanh cho rằng, Việt Nam cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Mặt khác, cần chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác. Việt Nam cũng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể như, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp.

Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm nhất

Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm nhất. Ảnh: Báo cáo của IQAir

Chia sẻ bài học kinh nghiệm, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Caryn McClelland cho biết, Mỹ từng hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí khủng khiếp vào thập niên 1970, đặc biệt là ở các thành phố công nghiệp như Pittsburgh, Detroit và Cleveland. Theo bà McClelland, phần lớn các thành phố Mỹ hiện nay được hưởng chất lượng không khí "đáng ghen tị" là nhờ 4 yếu tố chính: Thứ nhất, chính phủ Mỹ nhận ra và có biện pháp phản hồi về những mối lo ngại của người dân đối với chất lượng không khí. Thứ hai, Mỹ cung cấp dữ liệu về chất lượng không khí chính xác và miễn phí cho người dân. Thứ ba, Mỹ thông qua Đạo luật Không khí sạch năm 1970 để giảm phát thải và cuối cùng là thực thi đạo luật này một cách quyết liệt.

Bà McClelland cho biết, kể từ khi Đạo luật Không khí Sạch được thông qua, tổng lượng phát thải của 6 chất ô nhiễm phổ biến nhất giảm ở mức trung bình 69%, trong khi GDP của nước Mỹ tăng 238%. "Việt Nam cũng có thể làm được điều đó. Đó là điều mà chúng tôi biết rằng người dân Việt Nam mong muốn và chính phủ các bạn đang nỗ lực để đạt được", bà McClelland phát biểu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm