Bài 2: Tồn kho hàng ngàn phôi 'vô chủ', bệnh viện than trời

19/07/2019 - 08:10
Trong thời gian đầu triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), do chưa có kinh nghiệm nên BV chưa thực hiện ký cam kết cụ thể với người bệnh trong việc xử lý phôi. Do vậy, trong quá trình thực hiện, có nhiều người thực hiện TTTON vì một lý do nào đó mà không làm nữa, BV cũng không liên lạc được với người gửi trong khi phôi là mầm sống, không thể tự ý hủy.

Với các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, việc tạo được phôi tốt đồng nghĩa với cơ hội có con tăng cao. Không những thế, họ còn có thể trữ đông phôi để sinh thêm lần 2, lần 3. Tuy nhiên, việc lưu trữ này cũng đang gây khó cho các BV.

Trao đổi với PNVN đầu tháng 7/2019, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) các bác sĩ sẽ tư vấn cho các cặp vợ chồng về số lượng phôi, khi sinh em bé xong thì thời gian sau có thể sử dụng trở lại phôi đó để sinh tiếp. Điều này nhằm mục đích giúp người bệnh trong một lần tốn kém như vậy thì sẽ kích thích nhiều noãn, cho thụ tinh với tinh trùng của người chồng để có nhiều phôi. Việc này là tốt bởi nếu không may hư nhóm này thì có thể có nhóm khác thay thế mà không cần kích thích buồng trứng lần nữa để làm ra phôi, rất tốn kém. 

Tuy nhiên, trong quá trình trữ phôi, nhiều người không đóng tiền bảo quản, cũng không liên lạc lại khiến các BV gặp Khó. Tại BV Từ Dũ, thống kê sơ bộ cho thấy, hiện BV đang trữ khoảng 300 phôi không liên lạc được với người bệnh, không có cam kết xử lý. Việc trữ các phôi này BV vẫn đang sử dụng các quy trình và phương tiện bảo quản thống nhất, không phân biệt phôi của ai.

Còn tại BV Hùng Vương (TP.HCM), nơi phát triển kỹ thuật TTTON từ năm 2004 đến nay cũng diễn ra tình trạng vướng mắc khi xử lý số phôi thai chưa có ý kiến xử lý của các cặp vợ chồng. Theo thống kê, hiện BV đang vướng việc trữ  450 phôi không liên lạc được người nhà đến nhận.

Tại các tỉnh phía Bắc, tình trạng trên cũng xảy ra tương tự. Theo bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản Hà Nội) thống kê của BV cho thấy, tổng số phôi không liên lạc được tới thời điểm này là 1.078 phôi. Hầu hết, những phôi trữ lại đa phần là phôi tốt hoặc trung bình, có thể chuyển phôi được ngay. Trong đó, có những phôi đã trữ được trên 10 năm. 

61972932_1194680144062400_2674655493053480960_n.jpg
Trữ đông phôi tại BV Hùng Vương

 BV Phụ sản TƯ là một trong những nơi thực hiện kỹ thuật TTTON sớm của cả nước (năm 2002). Vì vậy, số phôi lưu trữ tại BV rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay BV chưa thống kê được chi tiết số phôi chưa có người nhận hoặc không liên lạc được. Lãnh đạo BV cho biết, số phôi không liên lạc được với người nhà cũng lên đến hàng ngàn trường hợp. Dù vậy, BV cũng không nỡ hủy, vì thế kho chứa của BV ngày càng đầy thêm. 

Vì đâu nên nỗi?

Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, trong thời gian đầu triển khai kỹ thuật TTTON, do chưa có kinh nghiệm nên BV chưa thực hiện ký cam kết cụ thể với người bệnh trong việc xử lý phôi. Do vậy, trong quá trình thực hiện, có nhiều người thực hiện TTTON vì một lý do nào đó mà không làm nữa. 

Về mặt nguyên tắc thì mỗi năm những người này phải đến BV để gia hạn phôi, nhưng họ lại không đến. Trong khi đó, quy định lại không có cam kết cụ thể rằng nếu họ không đến đóng tiền để gia hạn phôi thì mình xử lý thế nào.

Cũng theo bác sĩ Tuyết, BV đã có thông báo bằng cách gọi điện cho người bệnh, nhưng nhiều người thay số điện thoại thường xuyên, gửi thư đến địa chỉ người bệnh đã khai trong hồ sơ bệnh án thì họ lại chuyển nhà, số lượng liên hệ được rất ít. BV cũng có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng số lượng liên hệ được cũng không được bao nhiêu, nên cuối cùng vẫn còn lại một số lượng phôi không liên lạc được khá lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, từ năm 2015 trở đi, Bộ Y tế đã có quy định các cặp vợ chồng khi TTTON muốn lưu phôi tại BV sẽ có cam kết rõ ràng giữa người nhà và BV. Theo đó, Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có nêu rõ: Cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với sự đồng ý của cả vợ và chồng thông qua hợp đồng tặng, cho.

Tuy nhiên, trước thời điểm này thì BV lại chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với phôi mà không liên hệ được với người bệnh. Trong thực tế, có rất nhiều lý do khác nhau mà các cặp vợ chồng không tiếp tục sử dụng nguồn phôi đó nữa. Có một số cặp vợ chồng công bố lý do, tuy nhiên cũng có một số không cho biết lý do. Điều này thực sự gây khó khăn cho BV trong việc quản lý phôi, kể cả phôi tốt và không tốt của các cặp vợ chồng không có nhu cầu sử dụng nữa.

“Số phôi không liên hệ được với người bệnh không sử dụng để nghiên cứu khoa học, hiến tặng hoặc hủy được. Phôi là mầm sống, không thể hủy số phôi này nếu không có quy định rõ ràng. Việc bảo quản, lưu trữ sẽ gây ra những khó khăn cho BV. Nếu một ngày các cặp vợ chồng quay trở lại hỏi thì không biết trả lời thế nào. Do vậy rất lúng túng trong xử lý. Một cặp vợ chồng có thể có nhiều phôi, chứ không phải một phôi”, bác sĩ Mỹ Nhi cho hay.

Điều 17, Nghị định 12/2003 (Nghị định này có hiệu lực từ 25/3/2003 đến 15/3/2015) quy định:

  1. Cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi được tổ chức trong các cơ sở y tế để lưu giữ, bảo quản tinh trùng, phôi phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
  2. Tinh trùng, phôi được lưu giữ trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
  3. Sau khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thành công, nếu người gửi tinh trùng, gửi phôi không còn nhu cầu sử dụng tinh trùng, phôi và cho cơ sở y tế thì cơ sở y tế được quyền sử dụng tinh trùng, phôi đó để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho người khác. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở y tế có trách nhiệm tư vấn cho Giám đốc cơ sở y tế trong việc sử dụng phôi của người cho theo quy định tại Điều 8, và khoản 3 Điều 9 của Nghị định này.
 

Khoản 2, Điều 20, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/1/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong đó có quy định về việc xử lý như sau: "Người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi phải trả chi phí lưu giữ, bảo quản thông qua hợp đồng dân sự với cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi, trừ trường hợp tinh trùng, noãn, phôi được hiến. Trường hợp người gửi không đóng phí lưu giữ, bảo quản thì trong thời hạn 06 (sáu) tháng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền hủy tinh trùng hoặc noãn hoặc phôi đã gửi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm