Bài 3: Các Bệnh viện đầu ngành xử lý phôi dư như thế nào?

20/07/2019 - 06:00
Sau 6 tháng, nếu bệnh nhân không đến đóng phí lưu trữ hoặc vẫn không liên lạc được thì khoa phòng sẽ tiến hành hủy phôi hoặc hiến phôi theo như đúng cam kết bệnh nhân đã ký”, bác sĩ Phạm Thúy Nga chia sẻ.

Bác sĩ Nga cho biết, theo quy định của BV, bệnh nhân khi được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nếu còn phôi dư hoặc bệnh nhân đông phôi toàn bộ sẽ được tư vấn giữ phôi. Bệnh nhân được thông báo số phôi được lưu trữ. Nếu gia đình đồng ý, BV sẽ tiến hành lưu trữ phôi.

Trước khi tiến hành trữ phôi, bệnh nhân được tư vấn đầy đủ về các quy trình, thủ tục trữ phôi. Đồng thời, bệnh nhân ký cam kết đầy đủ. Thời gian lưu trữ phôi có thể kéo dài đến khi nào bệnh nhân không còn nhu cầu sử dụng phôi nữa, BV sẽ tiến hành hủy phôi hoặc hiến phôi theo yêu cầu của bệnh nhân.

Trong cam kết ghi rõ, hướng xử lý phôi cho bệnh nhân lựa chọn nếu không quay lại BV để đóng phí gia hạn hoặc không liên lạc được với bệnh nhân. Cụ thể, nếu quá thời hạn đóng phí bảo quản hàng năm 6 tháng, bệnh nhân không tới, phôi của bệnh nhân sẽ được xử trí theo 1 trong 3 hướng là: Hiến phôi cho ngân hàng để sử dụng cho các cặp vợ chồng có nhu cầu xin phôi; hiến phôi cho khoa học hoặc hủy phôi. Thực tế, tại BV cho thấy đa số bệnh nhân đồng ý hủy phôi.

Cũng theo bác sĩ Nga, chi phí trữ phôi lần đầu tại BV sẽ tùy thuộc vào cọng phôi bệnh nhân được lưu trữ. Theo đó, chi phí cho cọng phôi đầu tiên là 5,8 triệu đồng. Các cọng tiếp theo mỗi cọng có chi phí là 1,5 triệu đồng. Hàng năm, bệnh nhân đến đóng phí bảo quản phôi là 2,2 triệu đồng/năm. Nếu bệnh nhân ở xa thì chỉ cần chuyển khoản ghi thông tin người chuyển là BV sẽ tự động cập nhật.

_mg_9968.JPG
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hà Nội

 Tại Bv, thông tin phôi lưu trữ được mã hóa và quản lý bằng phần mềm. Hàng tháng, hệ thống sẽ chạy ra danh sách bệnh nhân đến ngày gia hạn. Nhân viên y tế của BV sẽ gọi điện cho bệnh nhân nhắc lịch đóng phí bảo quản phôi. Sau 6 tháng kể từ thời điểm gọi điện thông báo, nếu bệnh nhân không đến hoặc vẫn không liên lạc được khoa phòng sẽ báo cáo lên Ban Giám đốc. Ban Giám đốc sẽ họp, sau đó quyết định xử lý số phôi dư theo như cam kết của bệnh nhân đã ký với BV. Việc hủy, hiến phôi sẽ có biên bản hiến hủy và được phê duyệt của Ban giám đốc BV.

Tuy nhiên, bác sĩ Nga cũng cho biết rất ít trường hợp bị hủy phôi sau 6 tháng kể từ ngày liên lạc nhưng bệnh nhân không đóng tiền. Bác sĩ Nga cho rằng, có nhiều lý do người bệnh chậm đóng tiền, ví như họ đi công tác nước ngoài 1-2 năm hoặc có trường hợp chữa bệnh hoặc một lý do nào khác mà không thể đóng tiền được. Vì vậy, BV thường để từ 1-2 năm, nếu vẫn không liên lạc được thì khoa mới báo cáo lên Ban giám đốc và tiến hành các bước tiếp theo.

“Hiện tại, phôi được lưu trữ lâu nhất tại BV đang là 10 năm. Có một số bệnh nhân sau 10 năm quay lại chuyển phôi và đã có thai”, bác sĩ Nga chia sẻ.

62335888_306978846907128_1253338681800916992_n.jpg
Các bác sĩ kiểm tra phôi trữ đông

Còn theo TS. Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản TƯ), về nguyên tắc trước khi thực hiện lưu trữ phôi, bệnh nhân sẽ được ký cam kết. Trên phiếu đông phôi đã có cam kết: Nếu người bệnh không sử dụng phôi nữa thì sẽ hủy phôi hoặc hiến phôi cho nghiên cứu hoặc ngân hàng.

Sau khoảng thời gian người gửi không đóng tiền, BV cũng không liên lạc được thì BV có quyền hủy hoặc xử lý theo như cam kết của bệnh nhân. Tuy nhiên, trước khi hủy, BV đều cố gắng liên lạc với người gửi để hỏi lại mong muốn của họ. Sau đó, BV sẽ thành lập hội đồng chuyên môn, gồm lãnh đạo BV với đầy đủ thành phần để có quyết định hủy. “Về lý, BV hoàn toàn có quyền hủy nhưng BV chẳng bao giờ tự hủy vì phôi đó tự nó rất quý đối với người hiếm muộn. Cũng vì vậy, số phôi bảo quản tại BV ngày càng nhiều hơn. BV phải mua thêm bình và kho chứa số phôi dư của bệnh nhân”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm