Bài 4: Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế

21/07/2019 - 06:00
Trước lúng túng của các cơ sở y tế trong việc xử lý phôi dư không liên lạc được với người gửi, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử lý chi tiết đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, qua kiểm tra thực tế tình hình chấp hành các quy định pháp luật về thực hiện kỹ thuật TTTON và tổng hợp các ý kiến của các cơ sở y tế, Bộ nhận thấy một số cơ sở y tế còn lúng túng trong thủ tục xử lý tinh trùng, noãn, phôi dư. Việc này làm tăng gánh nặng chi phí lưu trữ cũng như có thể dẫn tới hệ lụy pháp lý không mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý phôi dư đang được lưu giữ tại các cơ sở y tế.

Theo đó, đối với các trường hợp cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật TTTON, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể hiện tặng cho cơ sở khám chữa bệnh. Việc cho tặng này phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng thông qua hợp đồng tặng cho. Việc sử dụng phôi dư trong trường hợp này được người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh quyết định hủy hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học theo Điều 6, Nghị định 10/2015.

a_2.jpg
Các cơ sở y tế có thể tự hủy phôi đang lưu trữ nếu không liên lạc được với người gửi và không đóng tiền lưu trữ phôi

 Đối với các trường hợp cặp vợ chồng lưu trữ tinh trùng, noãn, phôi tại các cơ sở khám chữa bệnh không đóng phí lưu giữ bảo quản sau khi hết thời hạn hợp đồng thì cơ sở khám chữa bệnh có quyền hủy tinh trùng hoặc noãn, hoặc phôi đã gửi theo khoản 2, Điều 20, Nghị định 10/2015/NĐ-CP. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo đúng quy định trên đối với tất các các trường hợp đã gửi tinh trùng, noãn hoặc phôi có hợp đồng dân sự đã ký.

Riêng việc xử lý tinh trùng, noãn, phôi dư mà không có hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng dân sự không quy định cụ thể thời hạn. Hoặc trong hợp đồng không có điều khoản quy định về hủy tinh trùng, noãn, phôi dư thì BV vẫn có thể thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 10/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, để tránh khiếu nại, kiện cáo sau này, cơ sở Khám chữa bệnh cần liên lạc ít nhất 3 lần với người gửi phôi, noãn, tinh trùng trong vòng 1 năm. Sau thời hạn trên, nếu người gửi vẫn không có thông tin xác nhận lại về việc tiếp tục lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi và không đóng phí lưu giữ thì cơ sở khám chữa bệnh được phép thành lập Hội đồng hủy tinh trùng, noãn, phôi. Việc tiến hành hủy tinh trùng, noãn, phôi phải được lập thành biên bản.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khi ký hợp đồng lưu trữ tinh trùng, noãn, phôi cần đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Trong hợp đồng dân sự cần đảm bảo đủ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của cả hai bên cũng như điều kiện để cơ sở hỗ trợ sinh sản được chủ động hủy tinh trùng, noãn, phôi dư theo quy định của pháp luật.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm