Bài cuối: Gà thải đầy kháng sinh nhưng người tiêu dùng vẫn chọn vì 'dai'

21/08/2018 - 11:52
Gà thải siêu trứng thường được nuôi dài ngày hơn gà thịt nên chủ trang trại phải sử dụng nhiều loại kháng sinh. Thế nhưng, loại gà này lại được người tiêu dùng ưa chuộng vì thịt “dai”.
Theo ông Dương Xuân Tĩnh, trạm Trưởng trạm Thú y Thường Tín (Hà Nội), gà siêu trứng có thời gian nuôi từ 2 năm trở lên. Trong quá trình nuôi, chủ trang trại thường xuyên sử dụng kháng sinh, hóa chất để kích thích gà đẻ trứng, trong đó có dòng kháng sinh tetracycline.
Năm 2013, Trạm Thú y Thường Tín phối hợp cùng Chi cục Thú y Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội lấy mẫu gà thải đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, trong một số mẫu gà thải phát hiện kháng sinh dòng tetracycline vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam.
Các chuyên gia cho biết, kháng sinh tetracycline là bột vàng, ít tan trong nước. Các tetracyclin đều là kháng sinh kìm khuẩn, có phổ kháng khuẩn rộng nhất trong các kháng sinh hiện có. Vì vậy, tetracyclin được dùng bừa bãi kể cả trong điều trị bệnh cho con người cũng như chăn nuôi.
Trong chăn nuôi gà siêu trứng, kháng sinh dòng tetracycline có tác dụng phòng bệnh viêm buồng trứng, chống viêm nhiễm, nhiễm khuẩn buồng trứng (tràng trứng) và một số bệnh tiêu chảy.
img_02091.JPG
Gà siêu trứng thải loại được bán tại chợ Hà Vĩ

  Người tiêu dùng khi ăn phải gà có dòng kháng sinh vượt ngưỡng này sẽ được tích lũy trong cơ thể con người. Khi đến một mức nhất định sẽ phát bệnh với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng răng, dị ứng, xuất huyết giảm tiểu cầu, nhức đầu, phù gai mắt. “Vì gà này không đảm bảo nên chúng tôi đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng gà thải”, ông Tĩnh nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) đặc điểm của gà thải khác gà ta khá nhiều nên chỉ cần chú ý người tiêu dùng sẽ nhận ra ngay.
Theo ông Thịnh, gà thải là gà công nghiệp siêu trứng, sau khi kết thúc chu kì đẻ trứng được các chủ trang trại bán đồng loạt hàng chục vạn con ra thị trường để thay thế lớp mới. Do bị nuôi nhốt lâu nên lông thường xù xì, màu lông nhạt, thường trụi lông ở cổ và phần hậu môn, mắt màu đục, bụng nặng, khi thịt thấy da nhăn nheo, không thấy mỡ dưới da, thịt có màu trắng, ăn không thơm và dai.
Trong khi đó, gà ta lông phải bông, mắt sáng, rốn kín, bụng nhẹ, chân bóng không có lõm tròn. Khi làm thịt phải có ít mỡ dưới da, lườn dầy, da bóng. Cảm giác khi tay cầm vào con gà phải đanh chắc, thịt không mềm, không có nước.
“Trước khi mua người tiêu dùng nên kiểm tra kĩ, đầu tiên là màu lông, sau đó là thịt nhưng tốt nhất là nên mua ở những nơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng”, PGS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm