Bài học nhớ đời con trai tuổi teen nhận được khi mua hàng online

22/11/2018 - 17:17
Dù mẹ càm ràm rất nhiều nhưng cậu con trai lớp 9 nghiện mua hàng online liên tục đặt quần áo, giày dép, đồ dùng… qua mạng khiến chị Nguyễn Thúy rất khó chịu. Chỉ đến khi, bị "sập bẫy" khi mua hàng online, cậu bé mới nhận được bài học cho mình.
online.jpg
Trong tủ quần áo của con trai tuổi teen có đến 80% là mua hàng online. Ảnh minh họa
 

 

Ngày nào cũng vậy, cứ cầm điện thoại của mẹ là Nam Anh (Kim Liên, Hà Nội) lại vào instagram để ngắm quần áo, giày dép. Điều cậu quan tâm nhất là săn lùng những cửa hàng quần áo, giày dép đang giảm giá, tìm những mẫu quần áo, giày dép mới ra để khi “tích đủ tiền” sẽ mua.

Niềm đam mê của cậu là giày nên có bao nhiêu tiền cậu đều đầu tư hết cho sở thích của mình. Từ tiền mừng tuổi, tiền sinh nhật đến tiền ăn sáng, cậu đều cố tích góp lại để mua những đôi giày mới ra. Vì bố mẹ không đồng ý cho cậu mua nhiều đồ nên cậu thường tự ý đặt hàng online và nhận hàng. Lúc đó, bố mẹ cậu cũng không thể cấm đoán khi con trai đã trả tiền và nhận đồ.

Quần áo cũng vậy. Trong tủ quần áo của cậu có đến 80% là đồ cậu mua hàng online. Cậu không thích đi mua cùng bố mẹ vì những đồ bố mẹ chọn cậu không ưng, những đồ cậu ưng thì bố mẹ nhất định… không trả tiền. Thế nên, cậu chỉ có cách tự đặt hàng online.

Thấy con trai nghiện mua hàng online, chị Thúy càm ràm rất nhiều. Là người mẹ, có kinh nghiệm mua bán, chị thừa hiểu, không nên đặt nhiều niềm tin vào hàng online. Bởi, không ít lần chị bực bội khi nhận hàng mua qua mạng. Ảnh trên mạng thì lung linh, sắc nét nhưng khi nhận hàng thật thì “khác nhau một trời một vực”. Đúng là mất tiền mà mua ấm ức vào người.

Dù mẹ nói bao nhiêu lần về chất lượng khi mua hàng online nhưng Nam Anh “bỏ ngoài tai”. Bởi, ở tuổi của cậu, quan trọng là mẫu mã, màu sắc có đẹp không, có đúng với  thời trang mà các bạn đang mặc không, chất lượng sản phẩm chỉ là thứ yếu.

mua-hang-online660.jpg
Không nên đặt nhiều niềm tin khi mua hàng online. Ảnh minh họa

 

Mới đây, khi đặt mua chiếc balo từ một shop ở TP.HCM, cậu mới hiểu thế nào là “sập bẫy” khi mua hàng online. Chiếc balo có giá là 380 nghìn đồng, tiền vận chuyển và ship ra Hà Nội là 70 nghìn đồng, tổng cộng là 450 nghìn đồng. Khi người giao hàng gọi cậu nhận hàng, dù chị Thúy đã dặn con phải mở và kiểm tra hàng cẩn thận nhưng cậu vẫn chủ quan trả tiền và mang hàng vào nhà.

Khi mở bọc hàng ra, vẫn là chiếc ba lô nhưng chất liệu vô cùng rởm, trông không có chút gì “nghịch nghịch, chơi chơi” mà khi xem ảnh cậu thích mê trước đó. Thất vọng vì tiếc tiền, vì không mua được món đồ đúng như nghĩ, Nam Anh buồn so. 450 nghìn mà cậu tích góp bao lâu đã bị “ném ra ngoài cửa sổ”.  Biết cảm xúc của con nên chị Thúy không càm ràm gì. Hôm sau, chị chia sẻ với con về những bài học khi mua hàng online, phải tìm những shop uy tín và đặc biệt phải kiểm tra đồ trước khi nhận hàng. Bởi, có quá nhiều nạn nhân mua hàng online, điển hình là có vụ đặt điện thoại nhưng nhận về cục gạch, hoặc mua tivi nhưng nhận về tấm gỗ…

Chị Thúy nhận ra rằng, với trẻ tuổi teen, nếu không trải nghiệm sự thất bại, chúng sẽ ít nghe và tin lời người lớn mà luôn làm theo ý mình. Chính việc sập bẫy khi mua hàng online đã khiến Nam Anh nhận ra bài học, lúc ấy cậu mới tin “người lớn luôn có nhiều kinh nghiệm hơn trẻ nhỏ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm