pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ban công đầy giò phi điệp của ba
- Bữa nay ba có phải trực đêm không ba?
- Ba có. Con ở nhà cơm nước cho các em nhé!
Tôi gật đầu rồi tiễn ba ra cửa. Ngoài trời không mưa nhưng trước cổng lớn nhà tôi ướt đẫm, đó là vì trước khi đi làm ba vẫn phải cố tưới cho ban công đầy phong lan rồi mới có thể yên tâm được.
Ba tôi không phải là người sinh thành ra tôi.
Mẹ và bố đẻ của tôi ly hôn từ ngày tôi còn rất nhỏ. Kí ức về khoảng thời gian đó gần như không còn rơi rớt lại chút nào trong tôi...
Tôi sống với ông bà nội nhưng cũng chẳng bao giờ gặp bố mình. Mãi cho đến năm 8 tuổi, mẹ quay lại đón tôi đi cùng bà.
Tưởng chừng như mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn với cô bé thiếu thốn tình cảm ấy nhưng hóa ra tôi còn phải sống với một người đàn ông lạ mặt.
Mẹ tôi đã tái hôn. Và tôi còn có một cậu em trai nữa. Với sự bướng bỉnh và ngang ngược của mình, tôi tìm mọi cách để gây gổ với các thành viên trong gia đình.
Tôi đập vỡ bát cơm khi mẹ nhắc nhở "mời ba ăn cơm đi con".
Tôi bắt nạt đứa em trai nhỏ để nó khóc ré lên khiến cả nhà hoảng hốt.
Tôi đàn đúm cùng chúng bạn quậy phá khắp làng xóm.
Sự phản loạn của của tôi cứ kéo dài từ đó đến tận khi học lớp 9. Tôi tự ý lấy xe máy của nhà đi chơi và gây ra một tai nạn nghiêm trọng.
Tôi chở theo 2 đứa bạn phóng xe với tốc độ kinh hoàng rồi tự đâm vào chướng ngại vật trên đường. Lúc tôi ngồi dậy sau cú va chạm đó, mọi thứ như dường đổ sụp trước mắt. Nhìn đứa bạn nằm trên giường cấp cứu với gương mặt bê bết máu, hai bàn tay của tôi run rẩy đến mức không thể mở điện thoại để gọi cho người nhà theo yêu cầu của chị y tá.
Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy người mà tôi nhất quyết không bao giờ gọi là ba đang loay hoay làm thủ tục bệnh viện. Nhìn thấy tôi, ba mới thở phào nhẹ nhõm.
- Không sao đâu. Cứ để bác sĩ kiểm tra xem có bị thương ở đâu không đã Uyên nhé.
Chẳng biết vì sao lúc đó, tôi lại vô thức buông ra một câu hỏi không hề liên quan đến tình huống này.
- Xe... có bị hỏng không ạ?
Ba cười xòa một cái rồi nhíu mày gọi bác sĩ khi nhìn xuống vết thương trên cổ tay của tôi.
- Con gái em bị bệnh máu bẩm sinh, bác sĩ xem giúp em với, cháu nó chảy nhiều máu quá!
Bác sĩ nhanh chóng có mặt và hỏi các vấn đề về tiền sử bệnh án của tôi. Tôi ngỡ ngàng và hoang mang khi ba nắm rõ từng chút một về các vấn đề sức khỏe của tôi mà tôi cá rằng chính mẹ còn không biết rõ đến như vậy.
Sau khi từ viện về, ba cũng đã khéo léo xử lý tất cả những vấn đề với gia đình những người bạn của tôi. Chính tôi cũng không rõ ba đã làm thế nào để mọi chuyện có thể êm xuôi nữa.
Từ đó, tôi ít nổi loạn hơn. Khi tập trung vào việc học tôi chợt nhận ra mình tìm thấy rất nhiều hứng thú. Nó thú vị hơn rất nhiều so với lông bông cùng lũ bạn xấu.
Một chiều mưa nặng hạt, tôi thấy ba vác về cả đống củi khô, rồi còn có cả mấy cọng cỏ, sơ dừa, vài chiếc lá nhìn có vẻ như chẳng có ích gì. Tôi tò mò đúng xem ba hì hục với đống đồ mà tôi cho là bỏ đi đó. Ba mang chúng treo đầy ban công. Tôi tò mò nhưng cố kiết không mở mồm ra hỏi. Ba cũng biết thừa nhưng cũng chẳng giải thích thêm câu nào.
Bẵng đi một thời gian, tôi giật mình khi thấy "đống đồ bỏ đi" đó đang vươn lên mạnh mẽ. Chồi non mơn mởn khiến ban công trở nên xanh tươi mướt mát. Không ít những bông hoa đã hé nở, đẹp một cách lạ lùng. Đó quả thật là loài hoa tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Sự tò mò đã lấn át tất cả, tôi chủ động lên tiếng.
- Đây là hoa gì vậy ạ?
- Lan phi điệp. Con thấy hay ho không. Lúc ba mang nó về nhà nó chỉ là đống củi khô, giờ con nhìn xem. Đẹp đúng không?
Tôi thích thú lượn mấy vòng quanh ban công. Ba nhận ra điều đó, bước ngay sau chân tôi rồi nhẹ nhàng xoa đầu.
- Chỉ cần con yêu thương nó thật lòng, chăm bẵm nó bằng chính bàn tay và công sức của con thì dù có là cành củi khô hay cọng cỏ vô vị, chúng vẫn sẽ đâm chồi kết nụ.
Tôi cúi đầu nhìn xuống những ngón chân của mình. Tầm mắt vô tình va phải một giò lan dưới đất có cái chồi nho nhỏ đã cố gắng chui ra.
- Con nghĩ là con muốn chăm sóc chúng. Được không... ba?