pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bến Tre: Bàn giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính vi mô theo mô hình một cấp

Hội thi bàn giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính vi mô theo mô hình quản lý một cấp
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, cho biết, chương trình có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn chuyển tiếp mô hình hoạt động Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre. Việc chuyển đổi từ mô hình hai cấp sang mô hình một cấp trong quản lý tài chính vi mô là bước đi quan trọng nhằm tăng tính chủ động, minh bạch và hiệu quả trong vận hành, đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở của Quỹ.
Theo bà Thoa, việc tổ chức tọa đàm và hội thi lần này là tiền đề quan trọng để chuẩn bị về cả chuyên môn và tư duy cho toàn hệ thống. Mục tiêu hoạt động là triển khai các nội dung dự kiến thay đổi trong dự thảo Quy chế hoạt động theo mô hình quản lý một cấp; Tạo diễn đàn để cán bộ thảo luận, phản biện và đóng góp ý kiến vào dự thảo, từ đó nhận diện rõ những điểm còn rủi ro, bất cập trong quy chế hiện tại; Nâng cao năng lực tư duy hệ thống, khả năng phản biện, và hiểu rõ quyền - trách nhiệm của từng vị trí trong mô hình một cấp; Thu thập ý kiến thực tiễn từ cơ sở để hoàn thiện quy chế phù hợp hơn với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi cao khi triển khai.

Tọa đàm bàn giải pháp quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính vi mô theo mô hình quản lý một cấp
Tại chương trình, trong phần tọa đàm, các đại biểu đã được nghe trình bày chi tiết dự thảo Quy chế hoạt động theo mô hình một cấp. Các nội dung bao gồm cơ cấu tổ chức, quy trình tín dụng, trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận và vị trí, cũng như quy định quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ trong quá trình thực hiện mô hình quản lý một cấp, phù hợp với chủ trương sáp nhập địa giới hành chính đang triển khai.
Trong khi đó, phần Hội thi thuyết trình và phản biện trực tiếp, với sự tham gia của 4 đội thi. Đây là điểm nhấn nổi bật của chương trình, giúp tăng tính tương tác, tạo không khí sôi nổi và khuyến khích cán bộ phát huy năng lực tư duy, thực hành phản biện. Các đội đã chủ động phân tích sâu các điều khoản trong dự thảo, nhận diện rủi ro tiềm ẩn trong quy định, so sánh với thực tiễn và đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp khả thi. Nội dung phản biện tập trung vào các vấn đề như: thẩm quyền phê duyệt tín dụng, trách nhiệm giám sát sau vay, quy trình xử lý nợ rủi ro, và vai trò của cán bộ tại cơ sở khi không còn cấp trung gian hỗ trợ.
Kết thúc chương trình, các ý kiến góp ý, phản biện đã được tổng hợp đầy đủ, khách quan và trung thực để làm cơ sở hoàn chỉnh lại dự thảo Quy chế trước khi trình Hội đồng quản lý phê duyệt. Qua chương trình, cán bộ đã được nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố tư duy hệ thống và sẵn sàng thích ứng với mô hình mới.
Theo đại diện Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre, buổi tọa đàm kết hợp hội thi không chỉ mang lại giá trị về mặt nội dung chuyên môn, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới, dân chủ và cầu thị trong quản lý, điều hành hoạt động tài chính vi mô. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre trong việc hướng đến sự minh bạch, hiệu quả và bền vững trong mô hình vận hành mới.