pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bàn giải pháp thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội
Hôm nay (18/12), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam Khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị lần này tập tập trung thảo luận 4 nội dung lớn như: Kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ XII; kết quả công tác Hội năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Đồng thời thảo luận những vấn đề đặt ra với phụ nữ, trẻ em hiện nay; vấn đề phát triển hội viên, công tác cán bộ nữ...
Đặc biệt là thảo luận, góp ý vào dự thảo Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2022 - 2027, tầm nhìn đến 2035; dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII…
Thảo luận tại tổ 5, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề phát triển hội viên của Hội LHPN Việt Nam. Tổ chức Hội đang có các tổ chức Hội thành viên như Hội Nữ doanh nhân, Hội Nữ trí thức..., tuy nhiên, theo bà Hạnh, rất cần tìm ra nhiều giải pháp để thu hút, tập hợp phụ nữ, đặc biệt là tầng lớp phụ nữ đi đầu, tiên phong như các nhà khoa học, doanh nhân, nữ trí thức - không ít người trong số đó hiện vẫn chưa tham gia tổ chức Hội.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, để thu hút, tập hợp hội viên, cần phân chia đối tượng phụ nữ để có hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn. Cụ thể như tập hợp hội viên ở khu dân cư nên dành cho cấp Hội ở xã, phường thực hiện. Ở cấp Trung ương nên hướng tới tìm các giải pháp, cách thức tập hợp đội ngũ các nhà khoa học nữ, doanh nhân, nữ trí thức thuộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị...
Cùng với đó, Hội đưa vào chương trình thu hút nhân tài nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những đề xuất chính sách quan tâm tới họ. Chiến lược tổng thể làm sao mở rộng đối tượng tập hợp, đào tạo nhân tài ở nhiều lĩnh vực - những người có sức tác động tới xã hội; qua đó sẽ tạo ra những tác động tới mạng xã hội, tăng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tích cực tới giới trẻ.
Cùng chung mối quan tâm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, góp ý: Việc phát triển, tập hợp, thu hút hội viên cần phải "xác định hội viên đang ở đối tượng ngành nghề, địa phương nào còn nhiều dư địa để phát triển, thu hút"; đồng thời xác định những khoảng trống nào cần tập trung để phát triển hội viên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa gợi ý: Trong khối doanh nghiệp tư nhân, hiện nay có 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, chưa tính hộ kinh doanh cá thể. Giả sử một nửa lao động thuộc khu vực này là nữ; 50% doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn thì có ít nhất vài triệu phụ nữ. Số lượng lao động nữ ở khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong vài năm tới, khi phong trào khởi nghiệp đang lên rất cao. Chính vì vậy, rất "cần nghiên cứu, tìm giải pháp để tập hợp lao động nữ ở khu vực này", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.
Còn bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nêu ý kiến: Hiện nay lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia, nữ trí thức người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài cũng rất đông đảo và nhiều chị em tha thiết tham gia Hội LHPNVN.
Về phía Hội Nữ trí Việt Nam cũng đang tập hợp, thành lập Hội Nữ trí thức tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Lực lượng các nữ trí thức đang định cư tại các nước phát triển, hay những nữ nghiên cứu sinh ở nước ngoài đều có nhiều thế mạnh; họ có tri thức, chuyên môn cao, có khát khao cống hiến cho quê hương... rất cần có những biện pháp hiệu quả để thu hút, tập hợp họ về tổ chức Hội.
Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 18.768.412 hội viên (tăng 1.768.501 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội đã giảm đáng kể (giảm 635 cơ sở, từ 1.037 cơ sở tháng 2/2019 giảm còn 402 cơ sở tháng 11/2019).
Đến nay, 40 tỉnh/thành không còn cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 50%, còn 402 cơ sở Hội thuộc 23 tỉnh/thành có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 50%.