Vợ chồng đau đầu với “bài toán” an cư

Thanh Tâm
13/12/2021 - 20:02
Vợ chồng đau đầu với “bài toán” an cư

Ảnh minh họa

Vợ chồng cô đang có chút phân vân không biết nên mua chung cư trả góp trên thành phố, mua đất ở quê hay tiếp tục đi thuê nhà với 100 triệu tiền vốn liếng.

Vì trong tay tài chính không vững nhưng lại sợ giá cả leo thang, không lên kế hoạch ngay thì sau này chẳng có tấc đất nào để cắm dùi, nên vợ chồng cô băn khoăn về chuyện này. Cô có thu nhập không cao nên càng đắn đo, muốn hỏi ý kiến Thanh Tâm để có thêm lý lẽ nói chuyện với chồng.

Bây giờ vợ chồng cô đang thuê nhà ở Mỹ Đình (Hà Nội), gần chỗ cô làm việc, tính cả tiền điện nước, chi phí vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Sắp tới họ dự định sinh con và nhờ bà ra trông cháu nên cần phòng trọ rộng hơn, dự trù chi phí hơn 7 triệu/tháng.

Thu nhập của chồng cô là 20 triệu/tháng, cô được 7 triệu/tháng. Chồng cô gợi ý, với giá thuê đắt đỏ như thế, hay là họ đi vay tiền ngân hàng mua 1 căn chung cư, giá khoảng 1 tỷ đổ lại, vậy là tiền gốc, lãi trả góp hàng tháng cũng chỉ hơn tiền thuê nhà một chút. Hai vợ chồng cố chục năm là được căn nhà của riêng mình rồi. Cô nghe thấy có lý.

Nhưng sau khi cô nói chuyện với chị đồng nghiệp ở công ty thì quan điểm và phân tích trái ngược khiến cô có chút băn khoăn. Chị ấy nói chớ dại mà mua nhà tầm này. Giá nhà 1 tỉ thì chỉ có ở xa trung tâm, đi làm rất vất vả. Hơn nữa khi có con nhỏ, việc thu xếp đi làm, gửi con rất khó khăn. Chẳng những vậy lại ôm 1 cục nợ to vào người.

Chưa làm chưa biết, vay số tiền 900 triệu, với lãi suất vay ngân hàng 8%/năm thì trả trong 10 năm, cả gốc và lãi cũng gần 14 triệu/tháng. Trong 10 năm ấy liệu công việc của 2 vợ chồng tốt lên hay không may xấu đi? Cuộc sống rất vất vả, sau còn có con cái, khả năng vợ chồng cãi nhau thường xuyên về tài chính sẽ cao. "Sao cô phải làm khổ mình thế! Thà ở thuê thêm mấy năm, gom góp được thêm chút nữa rồi hãy tính! Đời sống được mấy tí, cứ suốt ngày nơm nớp lo đi trả nợ!", chị đồng nghiệp nói.

Cô thấy ai nói cũng có lý. Hôm nọ, anh họ của cô lại góp ý: "Hai vợ chồng lên thành phố làm việc, về già cũng phải về Phú Thọ thôi. Đất ở quê rẻ hơn, mua lấy mấy chục mét, một là đợi thời cơ để bán, không thì sau cũng có chỗ xây nhà về ở!". Thực ra, công việc của vợ chồng cô cũng đang ổn, chưa nghĩ đến chuyện xây nhà ở quê về già nhưng cô thấy anh chị cô nhiều người phất lên nhờ "buôn đất" nên cũng nổi máu tham.

Cô thấy thích phương án đầu tư đất quê nhưng nghĩ về tình hình tài chính của gia đình lại chùn bước. Nếu vừa có con, vừa đi thuê nhà, mà lại thêm khoản vay tiền mua đất đầu tư thì quá sức. Dù là đầu tư "lướt sóng" cũng chứa đựng nhiều may rủi, thời gian bán được đất cũng không rõ ràng, thế thì lại càng mệt mỏi.

Nhưng nghe anh họ cô nói, giá đất ở quê đang rẻ, không mua lấy 1 miếng sẽ không còn cơ hội, nên cô cứ "sốt" xình xịch. Vấn đề là 2 vợ chồng cô chưa thống nhất được phương án nào. Mỗi người thích 1 kiểu, phương án an toàn là tiếp tục thuê nhà thì không biết bao giờ mới có đất, có nhà. Còn phương án vay tiền để mua thì lại lo quá sức rồi tình hình dịch bệnh phức tạp không biết công việc 2 đứa có bị ảnh hưởng gì không...

Câu hỏi của cô là một trong nhưng trăn trở, suy nghĩ của nhiều gia đình trẻ hiện nay. Với khả năng tài chính chưa vững nhưng lo cho tương lai, nhiều gia đình đưa ra các quyết định khác nhau. Nhưng cô cũng đã thấy được, trong phương án nào cũng có cái được, cái mất. Điều quan trọng là cả cô và chồng quyết tâm đi theo hướng nào.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, kinh tế sẽ còn nhiều biến động, nếu 2 vợ chồng chưa tính toán để có thêm nguồn thu nhập nào khác thì nên cố gắng tích góp thêm một thời gian nữa, sau khi có thêm chút vốn rồi tính tiếp các kế hoạch. Trả nợ ngân hàng có nhiều áp lực, phải trả đúng ngày, đúng tháng, nếu không sẽ bị ghi nhận nợ xấu, ảnh hưởng đến việc vay vốn sau này.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm