pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bản lĩnh nữ chiến sĩ biên phòng xứ Nghệ
Nữ chiến sĩ biên phòng xứ Nghệ trong bài luyện tập đánh dao găm
Nữ chiến sĩ luyện thuần thục các bài võ tay không, dao găm, côn nhị khúc
Những ngày cuối tháng 2, thời tiết ở Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thuỷ không nóng nhưng trời nắng hanh đủ để rát mặt. Các chị em ở Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An vẫn đang bận rộn luyện tập, duyệt diễu đội ngũ và biểu diễn võ thuật để phục vụ Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Nghệ An năm 2023. Trong Lễ ra quân vào dịp đầu tháng 3, chị em phụ nữ biên phòng Nghệ An sẽ cùng đồng đội nam giới biểu diễn các bài võ tay không, dao găm, côn nhị khúc và đánh tình huống.
Vừa đến giờ nghỉ giải lao, Đại uý Đặng Minh Khuê, Chủ tịch Hội Phụ nữ Biên phòng Nghệ An, vội vã uống nước và buộc lại mái tóc thật chặt lần nữa, chị bảo: "Chúng tôi đã cùng nhau tập luyện được hơn 3 tuần rồi. Còn vài ngày nữa sẽ đến kỳ biểu diễn chính thức. Vì vậy, để theo kịp anh em nam giới biểu diễn, mỗi chị em chúng tôi đều phải nỗ lực hết mình".
"Đối với tôi, đây là lần thứ 3 được tham gia đợt huấn luyện võ thuật, nên tôi xác định tốt tinh thần, nhưng trong quá trình luyện cũng cần phải tập trung cao độ và tập luyện thật tốt trong mỗi buổi tập. Tuy nhiên, do tập luyện với cường độ cao, trời nắng hanh và gió biển khá mạnh là những thách thức không nhỏ", Đại uý Khuê chia sẻ.
Đại uý Khuê cho biết, so với đợt tập huấn luyện trước đây, lần này không có nội dung của môn luyện khí công. Đây là một môn võ thuật khó nhất, cũng có phần mạo hiểm. Nhưng nếu đội đã cùng tập luyện thì nam cũng như nữ, đều có thể luyện khí công (đối với nữ) để đặt 60 kg bê tông lên người, sau đó lấy búa tạ đập vỡ. Chị em đã tham gia tập luyện đều có thể làm được. Thậm chí có tiết mục nữ chiến sỹ nằm trên bàn chông để đập khối bê tông 60 kg lên người.
Lần này, trong các môn võ đang luyện tập, đánh côn nhị khúc là khó nhất với chị em. Đòi hỏi chị em phải có kỹ thuật cao, tập trung cao độ. Vì chỉ sơ suất dù chỉ 1 giây, người tập cũng có thể bị va đập, bị côn đánh vào người ngay. "Những ngày đầu của đợt tập luyện, ngay cả tôi cũng không ít lần bị chấn thương, bị tím tay, chân do chưa thuần thục bài bản. Nay thì các chị em đều đã nhuần nhuyễn các bài tập, cùng các đồng đội nam đánh đẹp mười người như một.
Trong đội hình huấn luyện lần này, Thiếu uý Nguyễn Thị Trà My (SN 1999) có lẽ là "lính mới" nhất, vừa vào nhập ngũ được 5 tháng, hiện là nhân viên Ban doanh trại, Phòng hậu cần (BĐBP tỉnh Nghệ An). Trà My vui vẻ cho biết: "Đây là lần đầu tiên em tham gia huấn luyện cường độ cao như thế này. Lúc đầu, em cũng nghĩ có thể mình không làm được. Nhất là những buổi đầu thấy các anh chị tập nhanh, đẹp mắt lắm, nên em vô cùng căng thẳng. Ngày nào cũng từ 7h30 đến 10h30 sáng, chiều từ 13h30 -16h30, trời mưa nhỏ cũng vẫn tập đều. Em lại chưa tập cường độ cao như thế bao giờ, nên khắp người bị đau nhức. Thậm chí còn bị bài võ của côn nhị khúc đánh tím bầm cả chân, tay".
Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm, động viên của anh chị em toàn đội, cô chiến sĩ trẻ Trà My đã nhanh chóng nhập cuộc được với toàn đội. Trà My bảo: "Em được xếp đứng hàng đầu tiên, nên càng phải tập hăng say, nỗ lực hết mình, đến nay thì em đã tập luyện thành thục các bài võ theo yêu cầu, yên tâm biểu diễn cùng đội ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào".
Thể hiện bản lĩnh nữ chiến sĩ biên phòng ở mọi hoàn cảnh
Nhắc đến sự quyết tâm của các chiến sĩ nữ tham gia đội huấn luyện biểu diễn võ thuật lần này, Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính uỷ Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, bày tỏ sự cảm phục: Với các chiến sĩ nữ bộ đội biên phòng, dù công tác ở nhiều bộ phận chuyên môn khác nhau, nhưng vẫn thi thoảng lại phải tham gia các đợt huấn luyện cường độ cao như thế này. Dù vậy, luyện các bài đánh võ thuần thục cũng là yêu cầu để các chị em có thể tham gia cùng đồng đội nam đánh bắt tội phạm ma tuý, và nhiều loại tội phạm khác trên địa bàn. Lúc đầu, một số chị em còn gặp khó khăn với yêu cầu tập luyện ở cường độ cao, đòi hỏi có sức khoẻ, sự nhanh nhạy ở mỗi cán bộ, chiến sĩ. Nhưng các chị em đã rất nhanh thể hiện được bản lĩnh chuyên nghiệp của mình, đánh các bài võ cùng đồng đội nam giới đều rất đẹp mắt.
Không chỉ thể hiện tốt trong đợt huấn luyện căng thẳng này, ở nhiệm vụ của Hội cũng luôn được chị em chú tâm thể hiện kết quả ấn tượng.
Đại uý Đặng Minh Khuê, Chủ tịch Hội phụ nữ Biên phòng Nghệ An, cho biết: Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An gồm 7 chi Hội với tổng số 60 hội viên, hoạt động phân tán, chủ yếu làm công tác chuyên môn, phục vụ bảo đảm ở các phòng ban, văn phòng và một số đơn vị cơ sở. Song, với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, năng động, sáng tạo của cán bộ, hội viên nên hoạt động công tác Hội và phong trào Phụ nữ BĐBP tỉnh Nghệ An trong năm 2022 đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như: 100% hội viên luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, tích cực tham gia Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với Phong trào thi đua "Phụ nữ Bộ đội biên phòng trí tuệ, bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình văn hoá - hạnh phúc, xứng đáng bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới".
Hội cũng phát động trong toàn thể cán bộ, hội viên thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với mô hình "Phụ nữ giúp nhau vượt khó"; "Hội nhóm tiết kiệm… đạt hiệu hiệu quả cao.
Dù ở lĩnh vực và hoàn cảnh nào, cán bộ, hội viên, phụ nữ BĐBP tỉnh Nghệ An luôn thể hiện được bản lĩnh, sự sáng tạo không ngừng, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.
Những thành tích nổi bật của Phụ nữ Bộ đội Biên phòng năm 2022
Trong thời gian qua, các tổ chức Hội đã xây dựng và tổ chức nhiều mô hình hoạt động thiết thực thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia, tiêu biểu như: "Tiếp lửa yêu thương" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, đã đỡ đầu và hỗ trợ cho 17 cháu học giỏi có hoàn cảnh khó khăn (là con quân nhân BĐBP đã từ trần, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) mỗi cháu 500.000đ/tháng; "Làm theo" của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh An Giang (mỗi cán bộ Hội đăng ký thực hiện từ 1 - 2 việc làm theo Bác gắn với nhiệm vụ được giao); "Nữ chiến sĩ tuyên truyền văn hóa giỏi" của Hội Phụ nữ BĐBP các tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh.
100% Hội phụ nữ cơ sở của các đơn vị phối hợp với hội phụ nữ địa phương và hội phụ nữ các đơn vị công an, quân đội cùng đóng quân trên địa bàn tham gia chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Tích cực thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu", các hội phụ nữ đã trực tiếp nhận đỡ đầu 12 cháu, phối hợp với phụ nữ quân sự, công an và phụ nữ địa phương đỡ đầu 6 cháu mồ côi do dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 500.000đ/cháu/tháng; tặng sổ tiết kiệm, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm nhân các dịp lễ Tết và chào mừng năm học mới trị giá hàng trăm triệu. Ngoài ra, có 7 trẻ em mồ côi (không do dịch Covid- 19) và có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng" đã được các hội phụ nữ nhận đỡ đầu.