pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ban nhạc đặc biệt của những người khiếm thị
Ban nhạc Nắng mới
Ban nhạc Nắng mới được thầy Trần Bình Minh - Chủ nhiệm Mái ấm Đông Đô (Hà Nội) - thành lập vào năm 2016. Các thành viên của ban nhạc mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là người khiếm thị và chung niềm đam mê âm nhạc: Thảo Xuân (23 tuổi), cô gái duy nhất và là giọng ca chính; người lớn tuổi nhất và cũng ít nói nhất là Hoàng Chung (30 tuổi), đảm nhận việc chơi trống và được các bạn gọi với cái tên thân thương - "linh hồn của ban nhạc"; người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Đức Quân (17 tuổi) cùng cây sáo điện tử với những âm thanh đặc biệt, có thể giả lập bất kỳ nhạc cụ nào; Đỗ Trung Minh (19 tuổi), chàng trai với chiếc guitar lớn hơn cả người nhưng lúc nào cũng nở nụ cười tươi; Đức Thiện (23 tuổi), sinh viên năm 2 khoa Sáo trúc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, biết chơi keyboard, phối khí âm nhạc…
Thầy Trần Bình Minh cho biết, để có thể hát và chơi nhạc cụ điêu luyện như hiện tại, các bạn đã phải nỗ lực rất nhiều: "Người bình thường học nhạc đã khó, với người khiếm thị học nhạc khó khăn hơn rất nhiều. Người khiếm thị sử dụng chữ nổi Braille nhưng chữ nổi không ghi được nốt nhạc. Việc học tập đều qua lời nói, đòi hỏi sự ghi nhớ và tập trung rất nhiều. Đôi khi không tránh khỏi sự chán nản, thế nhưng tình yêu với âm nhạc đã giúp các bạn ấy vượt qua tất cả".
Trong mỗi buổi tập, từng nốt nhạc, từng câu hát đều là sự hòa quyện của các thành viên. Trở ngại lớn nhất của họ là lúc biểu diễn, không thể nhìn bản nhạc, mọi người buộc phải nhớ từng nốt trong đầu. Nhưng chính điều đó giúp các thành viên tập trung hơn, biểu diễn nhiều cảm xúc hơn.
"Việc được hát, được chơi nhạc cụ giúp em tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, thấy yêu đời hơn. Sau mỗi buổi biểu diễn, em truyền được cảm xúc tích cực đến nhiều người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh giống mình", Thảo Xuân chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở một ban nhạc, Nắng mới đã trở thành một gia đình, một mái ấm với niềm đam mê chung. Sống chung với bóng tối nhiều năm, những thành viên của ban nhạc đều có thể tự làm mọi việc sinh hoạt như mọi người bình thường. Mỗi người đảm nhận một công việc, nhưng ai nấy đều vui vẻ. Đức Thiện chia sẻ: "Em luôn cảm thấy may mắn vì sau những buổi học, sau những buổi làm việc chúng em có nơi để về, có người để san sẻ những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống".
Khi được hỏi về dự định của ban nhạc trong tương lai, thầy Trần Bình Minh cho biết, anh mong nhất là mỗi thành viên có thể tìm được tổ ấm nhỏ hạnh phúc cho riêng mình và bên cạnh đó là việc biểu diễn của cả nhóm được duy trì, đảm bảo cuộc sống cho các bạn.