pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bạn sẽ bất ngờ khi biết lý do vì sao ở Nhật Bản, Giám đốc cọ toilet là chuyện bình thường
Có một sự thật thú vị rằng, tại Nhật Bản, trong công ty hay doanh nghiệp, không phải cứ vị trí cao là ngồi chỉ tay 5 ngón, nhìn Giám đốc cọ toilet cũng chẳng có nhân viên nào lấy làm kinh ngạc. Vậy lý do là gì?
Tin chắc rằng nhiều người chúng ta sẽ đoán già đoán non về lý do thật sự đằng sau đó: “Chắc Giám đốc Nhật muốn làm gương cho nhân viên bằng cách làm công việc không ai muốn làm nhất”, “tinh thần Nhật Bản luôn độc đáo đáng nể như thế”,...
Không, hoàn toàn không phải như vậy. Giám đốc Nhật đi cọ toilet có 2 nguyên do chính:
1. Người Nhật quan niệm, toilet sạch sẽ có thể mang lại vượng khí, mời gọi vận may - điều này vốn bắt nguồn từ tư tưởng Thiền tông Phật giáo Nhật Bản, nơi coi dọn dẹp toilet cũng là một cách dưỡng thân tâm.
Cho nên, ở cương vị là một người lãnh đạo, khi cảm thấy công ty thua lỗ hay gặp khó khăn gì đó một chút thôi, Giám đốc Nhật sẽ xắn tay áo đi cọ toilet cầu may.
2. Ngoài ra, theo phong thủy Nhật Bản, toilet là nơi dồi dào nguyên tố Thủy - vốn gắn liền với sự trôi chảy, giàu sang.
Do đó, không có gì lạ khi ban lãnh đạo công ty, Giám đốc đặc biệt dành sự “quan tâm” cho nơi này, chẳng ngại ngần gì mà không cọ rửa khi quá trình kinh doanh của công ty gặp sự cố.
Và để minh chứng cho 2 lý do trên, nhiều tạp chí tại Nhật cũng đã thực hiện vài cuộc khảo sát nghiêm túc về vấn đề này.
Theo đó, tạp chí Houzz Japan qua điều tra khảo sát đã công bố thông tin có ít nhất 42% Giám đốc Nhật cọ toilet vì tin rằng hành động này sẽ mang lại may mắn. Thậm chí, thống kê sau đó còn cho biết, nhóm người siêng cọ toilet có thu nhập trung bình cao hơn nhóm chẳng quan tâm đến việc này.
Trên thực tế, quan niệm may mắn tiền tài đi kèm với hình ảnh cọ toilet vốn đã có từ lâu trong suy nghĩ của người Nhật. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự rộ lên như một trào lưu vào năm 2007 khi loạt thầy bói tại Nhật khuyên khách hàng muốn thành công hãy bắt đầu từ việc cầm bàn chải cọ toilet.
Thông tin có phần hơi tâm linh trên cứ thế lan tỏa trên khắp các phương tiện truyền thông Nhật thời điểm ấy, dần dần ăn sâu vào “máu” của các chủ doanh nghiệp, Giám đốc cho đến tận ngày nay.