pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Bản tình ca mùa Thu” còn mãi với thời gian
Ảnh minh họa
Trên nhiều lĩnh vực sáng tác từ trước đến nay, đã có nhiều văn nghệ sĩ thành công với đề tài mùa Thu - tình yêu. Tình nhạc - duyên thơ xưa nay cũng không hiếm. Tuy nhiên, có một tuyệt phẩm để đời minh chứng bằng sức sống mãnh liệt, được nhiều người mến yêu và vẫn thường say sưa hát bằng tất cả rung cảm lòng mình, chỉ có thể là "Thơ tình cuối mùa Thu".
Không còn nghi ngờ gì nữa, có thể khẳng định đó là một trong những "bản tình ca mùa Thu" đẹp nhất, lãng mạn nhất, đắm đuối nhất về mùa Thu tình yêu. Giai phẩm ấy là kết quả của cuộc hôn phối thơ - nhạc đầy duyên nợ giữa nữ sĩ Xuân Quỳnh và cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Sinh thời, nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu được biết đến là một bậc thầy phổ nhạc, chắp cánh cho thơ, đặc biệt là thơ tình. Ông giúp thơ có thêm một thân phận mới, một cuộc đời mới, điển hình như những sáng tác: "Sợi nhớ sợi thương" (thơ Thúy Bắc), "Anh ở đầu sông em cuối sông" (thơ Hoài Vũ) hay "Thuyền và biển" của Xuân Quỳnh... Lương duyên ấy một lần nữa đến với "Thơ tình cuối mùa Thu" cũng bằng mỹ cảm rất đỗi tự nhiên và tinh tế như thế.
Thử hỏi có trái tim đa cảm nào giấu được thổn thức khi thả hồn mình giữa trời Thu mênh mang trong khoảnh khắc này: "Cuối trời mây trắng bay/Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/Mùa Thu đi cùng lá". Đẹp thay khi trong những vần thơ tha thiết kia đã có sẵn nhạc tính, nên những giai điệu dịu êm cứ thế rung lên đầy cảm xúc rồi lại lắng xuống ngọt ngào: "Mùa Thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mông/Mùa Thu vào hoa cúc/Chỉ còn anh và em...". Hãy lắng lòng lại để chiêm nghiệm những câu thơ mộc mạc mà rất tình này, khi nó được lặp lại đến 4 lần trong bài thơ, và cũng là điểm nhấn được luyến láy nhiều nhất trong bài hát: "Chỉ còn anh và em...".
Giản dị, đằm thắm mà vẫn sâu sắc, chân thành. Lời thơ, ý nhạc không cầu kỳ, hoa mỹ cũng đủ gói gọn một thông điệp tình yêu son sắt thủy chung, trường tồn cùng thời gian, tuổi tác. Niềm tin đó thêm một lần nữa được kiểm chứng dẫu thời gian vẫn trôi, mùa Thu đã cũ, ngoái lại nhìn quá khứ để trân trọng những bề bộn thăng trầm, để nâng niu nhiều hơn khi đã dìu nhau băng qua bao gian nan, ghềnh thác: "Tình ta như hàng cây/Đã yên mùa bão gió/Tình ta như dòng sông/Đã yên ngày thác lũ/Thời gian như ngọn gió/Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi/Chỉ còn anh và em...".
Bài ca tình yêu này thoạt tiên nghe như một lời tự sự về chút tình riêng tư của chính tác giả, vậy mà khái quát thành lời nhắn nhủ nhẹ nhàng và rất đỗi trìu mến dành cho những đôi lứa đang yêu. Lời thơ, giai điệu âm nhạc mặc dù mang một dư vị buồn man mác nhưng lại ẩn chứa trong đó sự lạc quan cùng niềm tha thiết tin yêu. Đặc biệt, thành công của tuyệt phẩm này là bất cứ người đọc thơ, người nghe nhạc nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp chính mình, chuyện tình của mình ở đó, để rồi lay thức bao rung cảm xốn xang giữa tiết trời heo may bảng lảng trong mối giao hòa bất tận giữa đất trời và lòng người.
"Thơ tình cuối mùa Thu" kể chuyện mình để rồi gửi gắm một cách đầy ý nhị, khéo léo đến bao lứa đôi thông điệp muôn đời về vẻ đẹp của một tình yêu thuỷ chung, vĩnh cửu. Hãy nhìn xem: "Kìa bao người yêu mới/ Đi qua vùng heo may...", họ đã và sẽ tiếp tục nắm tay nhau đi qua mùa Thu, đi qua miền tuổi trẻ tràn trề khát vọng để viết tiếp những bài ca tình yêu mới.
Cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa hai tâm hồn đa cảm, tài hoa đã làm nên một "Thơ tình cuối mùa Thu" thăng hoa ngọt ngào trong mối giao cảm thơ - nhạc. Cơ duyên ấy đã để lại cho bao đôi lứa tình nhân trong cuộc đời một "bản tình ca mùa Thu" dịu dàng, lãng mạn, trường tồn bền bỉ với thời gian.