pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bằng "Eras Tour", Taylor Swift đang kiếm hàng tỷ đô cho kinh tế Mỹ như thế nào?
Một “cơn sốt vàng” của ngành giải trí Mỹ đang diễn ra, và lực đẩy đằng sau nó đến từ chỉ một cá nhân: Taylor Swift. Chuyến lưu diễn Eras Tour phá kỷ lục của cô được coi là chuỗi sự kiện âm nhạc sinh lợi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sức ảnh hưởng đến nền kinh tế của Swift hiện đang mạnh đến mức có thể coi cô là một “cỗ máy kinh tế”.
Đó là chưa kể, khi bộ phim tài liệu Eras Tour tiếp tục làm mưa làm gió suốt 2 tuần vừa qua tại khắp Bắc Mỹ, con số chảy vào nền kinh tế càng tăng cao đến mức không thể tưởng tượng được.
Hãy gặp: Tỷ phú đô la Taylor Swift
Theo ước tính của Peter Cohan, Phó giáo sư ngành quản lý tại trường Cao đẳng Babson, The Eras Tour dự kiến sẽ mang về cho ngôi sao sinh năm 1989 khoản lợi lên đến 4,1 tỷ đô.
Ước tính trên được đưa ra trong trường hợp Taylor “bỏ túi” số tiền chia tiêu chuẩn khoảng 85% doanh thu từ chuyến lưu diễn, với giá vé trung bình là 456 USD. Thu nhập của chủ nhân ca khúc Look What You Made Me Do, được dự đoán, sẽ là cao nhất từ một chuyến lưu diễn cho bất kỳ hoạt động âm nhạc nào từ trước đến nay - lớn hơn cả GDP trong một năm của 42 quốc gia.
Nhưng tác động của Eras Tour còn vượt xa những gì Swift “bỏ túi”. Trong một nỗ lực nhằm đánh giá mức chi tiêu của người xem concert, công ty phần mềm AskPro đã phỏng vấn 592 Swifties trong một cuộc khảo sát online.
Dựa trên câu trả lời của họ và số lượng người tham dự buổi hòa nhạc trung bình, công ty ước tính rằng Swiftíe đã chi khoảng 93 triệu đô la cho mỗi buổi biểu diễn - con số chóng mặt, không chỉ cho vé mà còn cho merch, tiền đi lại, khách sạn, đồ ăn và trang phục.
Cộng tất cả những khoản tiền trên lại, và khi kết thúc chuyến lưu diễn chỉ riêng ở Hoa Kỳ, kết quả đã là khoản thúc đẩy trị giá 5,7 tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Số tiền đó đủ để trao 440 đô cho mỗi người ở bang Pennsylvania, quê hương của Swift, hoặc gần như đủ để gửi cho mỗi người Mỹ một tờ 20 đô la.
Tấm vé “tái định nghĩa” cả nền kinh tế giải trí
Cơn sốt mà Swifties tạo ra đã bắt đầu từ rất lâu trước cả khi chuyến lưu diễn rục rịch khởi động vào tháng 3 vừa qua. Ngay từ tháng 11, sức nóng từ hàng triệu fan háo hức mua vé đã khiến nền tảng Ticketmaster “bay màu”, theo sau đó là một vụ kiện tập thể và cả cuộc điều tra.
Mức giá niêm yết của hạng vé thấp nhất có giá từ 49 đô, nhưng nhanh chóng bị “bơm thổi” lên gấp hàng chục lần trên các trang bán lại như SeatGeek. Theo Washington Post, giá vé trung bình trên thị trường bán lại là 1.611 đô.
Chỉ riêng việc bán vé Eras Tour đã vực dậy ngành công nghiệp giải trí sau thời gian suy thoái do đại dịch. Chris Leyden, giám đốc tiếp thị tăng trưởng tại SeatGeek cho biết: “Swift và chuyến lưu diễn ‘Eras’ của cô ấy đã định nghĩa lại nền kinh tế giải trí”.
Làn gió mới cho các chủ kinh doanh
Cơn gió kinh tế mát lành mang tên Swifties thổi qua cả các bức tường sân vận động tổ chức concert, vuốt ve êm dịu khuôn mặt sung sướng của các chủ kinh doanh gần địa điểm tổ chức.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia thậm chí còn đưa hiệu ứng Swift vào một báo cáo - nói rằng những người đến xem buổi hòa nhạc đã mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho doanh thu khách sạn trong tháng 5.
Các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng trên khắp nước Mỹ đều cảm nhận được sự tăng trưởng mạnh mẽ, với hàng triệu đô la chảy vào 20 thành phố của Hoa Kỳ mà Swift đã ghé thăm vào mùa hè này. Cincinnati ước tính rằng họ sẽ có thêm khoảng 48 triệu USD tác động kinh tế, theo Visit Cincy và Trung tâm Nghiên cứu Dữ liệu địa phương.
Tại Los Angeles, nơi có 6 đêm diễn, Trung tâm Việc làm và Kinh tế California dự đoán mức tăng 320 triệu USD cho kinh tế khu vực. Tổ chức du lịch thành phố Kansas Visit KC cho biết khu vực này đã nhận tác động ước tính khoảng 48 triệu USD từ điểm dừng của chuyến du lịch vào tháng 7. Viện Common Sense, nơi nghiên cứu tình trạng nền kinh tế của Colorado, dự đoán sự bùng nổ từ các buổi biểu diễn của Swift ở Denver sẽ mang tới 140 triệu USD trên toàn tiểu bang.
Mike Kahoe, nhà kinh tế trưởng tại California, cho biết: “Eras Tour là một cú hích nhằm hỗ trợ một phần nền kinh tế khu vực đang thực sự bị tụt hậu. Nó mang lại số tiền rất cần thiết cho ngành du lịch”.
Nhóm phân tích khách sạn STR đã tính toán các thành phố du lịch đã nhận được doanh thu từ phòng khách sạn tăng 208 triệu USD, cao hơn mức bình thường theo mùa.
Tại Seattle, Taylor Swift lập kỷ lục về doanh thu một ngày cho các khách sạn ở trung tâm thành phố - đạt 7,4 triệu USD, nhiều hơn khoảng 2 triệu USD so với kỷ lục được thiết lập trong Giải bóng chày All-Star của Liên đoàn bóng chày hồi đầu tháng, theo Visit Seattle và STR.
“Để so sánh tác động, 208 triệu USD về cơ bản là tổng doanh thu phòng được tạo ra ở Thành phố New York và Philadelphia trong một tuần”, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao M. Brian Riley của STR viết. Và đó chỉ là những đêm thực tế của chuyến lưu diễn, chưa bao gồm những fan đến sớm hoặc ở lại lâu hơn.
Tiểu kinh tế goods
Tương tự như fan âm nhạc Kpop, Swifties cũng nổi tiếng là mê goods. Số tiền được các fans chi cho các mặt hàng vinh danh thần tượng là không nhỏ, đơn cử thể hiện qua số tiền thu được từ việc bán các chuỗi vòng tay tình bạn - một sản phẩm có tính biểu tượng lấy cảm hứng từ lời bài hát You’re On Your Own Kid.
Người bán trên Etsy, Kara White, đã bắt đầu cùng mẹ làm những chiếc vòng tay từ đầu năm nay, khi chuyến lưu diễn bắt đầu. Họ nhận được đơn đặt hàng 1.500 chiếc vòng tay chỉ trong một ngày khi người hâm mộ chuẩn bị cho buổi biểu diễn ở Los Angeles. White và mẹ cô đã kiếm được khoảng 15.000 USD trong năm nay chỉ nhờ bán vòng tay.
Một mặt hàng không thể không nhắc đến khác là chiếc áo cổ thuyền màu xanh giá 65 đô có logo Eras Tour.
Justin Paul, DJ, nhà sản xuất và giám đốc sáng tạo, giảng viên các khóa học kinh doanh âm nhạc tại UCLA Extension, đã đưa ra một ước tính dè dặt – 864.000 USD tiền bán merch cho mỗi buổi diễn. Con số trên dựa vào số lượng người tại mỗi buổi biểu diễn và mức trung bình mỗi người xem concert thường chi cho merch.
Nhưng thế là chưa hết...
Daniel Altman, nhà kinh tế trưởng tại Instawork, nơi cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng nhân công theo giờ, cho biết: “Khi Taylor Swift đến nơi nào đó, cô ấy mang đến cả một làn sóng hoạt động kinh tế”.
Không chỉ có nhiều việc làm hơn trong và xung quanh các sân vận động Eras Tour mà họ còn trả lương cao hơn: Mức lương trung bình mỗi giờ được cung cấp trên Instawork trong bán kính 8km tính từ buổi biểu diễn ngày 13/5 của cô ở Philadelphia là 20,57 USD, cao hơn 2 USD so với bình thường.
Việc làm trong thời gian dài cũng có sự gia tăng. Theo Trung tâm Việc làm và Kinh tế California, tại Los Angeles, chuyến dừng chân kéo dài 6 ngày của Swift được ước tính sẽ tạo ra đủ doanh thu để mở ra 3.300 việc làm mới. Đó là số nhân viên đủ lấp đầy mọi hiệu sách và quầy báo ở khu vực L.A.
Chưa kể, nhân viên Eras Tour cũng trực tiếp là những người hưởng lợi.
Tạp chí People đưa tin vào tháng 8 rằng cô đã thưởng cho mỗi tài xế xe tải trong chuyến lưu diễn thêm 100.000 USD vào mùa hè này và tặng tiền thưởng cho các kỹ thuật viên âm thanh, người cung cấp thực phẩm, vũ công và các nhân viên khác.
Đó là chưa kể, dù mới công chiếu được 2 cuối tuần, bộ phim Eras Tour đã mau chóng thu về mức doanh thu khủng 129,8 triệu đô.
Eras Tour chưa bao giờ hết nóng. Vào tháng 11 này, ngôi sao sinh năm 1989 sẽ thực hiện chuyến lưu diễn quốc tế gồm 146 buổi diễn, với các điểm dừng ở Nam Mỹ, Châu Á, Úc và Châu Âu. “Nền kinh tế” Taylor Swift sẽ sớm vươn ra toàn cầu.