Báo chí cần phản ánh thực tiễn phong phú và làm tốt chức năng định hướng thông tin

PV
24/12/2022 - 16:12
Báo chí cần phản ánh thực tiễn phong phú và làm tốt chức năng định hướng thông tin

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi với các đại biểu.

Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí cần bám sát thực tiễn để một mặt phản ánh đời sống phong phú của nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, đồng thời thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin.

Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Sáng 24/12, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tới vai trò, sứ mệnh quan trọng của báo chí trong công tác tư tưởng văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. 

"Phương hướng, nhiệm vụ của báo chí năm 2023 không chỉ là ngắn hạn mà còn hướng tới một sự kiện quan trọng là kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (năm 2025). Với đất nước, năm 2023 là năm bản lề, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, hướng đến 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 năm thành lập nước (năm 2045). Vì thế, các cơ quan báo chí cần xác định rõ các định hướng này để có kế hoạch hoạt động ngắn hạn, trung và dài hạn, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Báo chí bám sát thực tiễn để phản ánh thực tiễn phong phú - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát các mục tiêu của Đảng về quản lý phát triển báo chí, đặc biệt là định hướng xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đây là những tư duy mới của Đảng trong công tác phát triển báo chí được đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 còn nhấn mạnh đến vấn đề vừa ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, vừa phải phát huy vai trò, nhân tố con người trong hoạt động báo chí.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hoạt động báo chí có tác động trực tiếp tới sự nghiệp cách mạng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế, báo chí phải làm tốt hơn chức năng định hướng tư tưởng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ chung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp tuyên truyền. Thực tế, cùng với lĩnh vực tư tưởng lý luận, văn hóa, báo chí được đánh giá là lực lượng xung kích, tiên phong lan tỏa mạnh mẽ điều tốt đẹp trong xã hội, phản bác điều sai trái.

Về tính thực tiễn của báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cơ quan báo chí cần bám sát thực tiễn để một mặt phản ánh thực tiễn phong phú của nhân dân mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đồng thời thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin của mình; đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hướng tới tính nhân văn. Các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn chức năng và nhiệm vụ phản biện xã hội của mình để làm tốt hơn nữa vai trò của mình, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn. Trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, báo chí cũng cần tỉnh táo, kiên định không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Cùng với đó, báo chí cần tiếp tục làm tốt vai trò đồng hành, tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số vấn đề các cơ quan báo chí cần tập trung trong thời gian tới. Trong đó, thực hiện tốt việc xây dựng đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng nước nhà. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần rà soát đánh giá công tác báo chí, xuất bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí. 

Báo chí bám sát thực tiễn để phản ánh thực tiễn phong phú - Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thu Hương

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng người làm báo

Để có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm phát huy các nguồn lực con người, đầu tư, tài chính, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất vì thế các đơn vị cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo. 

Cùng với đó, trên cơ sở đường lối chung của Đảng, các đơn vị chú trọng tận dụng nguồn lực đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ. 

Riêng nguồn lực tài chính, cùng với ngân sách nhà nước, các đơn vị đẩy mạnh tự chủ, hợp tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí cần chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng cũng như từng đảng viên trong cơ quan báo chí.

Nhân dịp này, 32 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022 đã được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cả nước hiện có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình.

Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.

Tổng số thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 (tính đến tháng 01/12/2022) lad 19.356 trường hợp; trong đó, số liệu cấp, đổi năm 2022: 1.587 trường hợp.

Nguồn: Báo cáo công tác báo chí năm 2022 và phương hướng,

mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm