pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo chí truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh cho doanh nghiệp
Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024 diễn ra sáng 24/10 tại Hà Nội
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Đồng thời, diễn đàn cũng là một trong những nội dung cụ thể nhằm triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ quan, thể hiện sự đồng hành của Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ làm báo, tạo xung lực mới cho sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và giới báo chí - truyền thông, hướng đến cùng thành công và cùng đóng góp thực hiện mục tiêu lớn: đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới", trong đó có nêu yêu cầu "Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam". Điều này khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò quan trọng của báo chí trong phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế đất nước.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí. Qua đó góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
"Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Năm nay chúng ta kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng cũng chỉ còn 20 năm nữa để phấn đấu đạt được mục tiêu này. Các cơ hội lịch sử đang mở ra, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: "Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được góp phần đưa đất nước bước vào "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng góp phần đưa nước ta bước sang "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh: Diễn đàn năm nay có chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí" rất thiết thực trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá: Trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.
Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.
Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.
Báo chí và Doanh nghiệp: Cần xây dựng lại mối quan hệ trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Cụ thể, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao. Hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.
Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp năm 2024 có chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí" đã thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu…
Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra hoạt động trao chứng nhận Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm hưởng ứng triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời tôn vinh các tác giả có tác phẩm viết về các doanh nhân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.
Lực lượng báo chí đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát sóng với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.