pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo động tình trạng trẻ hóa tội phạm
Nhóm đối tượng tuổi vị thành niên có liên quan đến vụ việc một người đi đường bị sát hại ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021
Bài 1: Những con số đáng báo động
Manh động và táo tợn
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã triệt phá nhóm đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản trên địa bàn quận Tân Bình. Đáng nói, hầu hết các đối tượng trong băng nhóm này chỉ trong độ tuổi 13 - 17 nhưng thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội rất manh động, táo tợn, sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi. Theo lời khai ban đầu, băng nhóm này gồm tập hợp những thanh thiếu niên do thiếu tiền ăn chơi nên đã tụ tập nhau thành băng nhóm để gây án.
Không chỉ cướp giật tài sản, có đối tượng là thanh, thiếu niên sẵn sàng tước đoạt sinh mạng của người khác để cướp đi số tiền ít ỏi của nạn nhân để thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhất thời. Gần đây, L.N.H. (15 tuổi, trú tại phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã dùng hung khí sát hại một người phụ nữ bán tạp hóa và cướp đi số tài sản của nạn nhân. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng đã bắt giữ H. khi đối tượng này đang lẩn trốn sau khi gây án. Lời khai ban đầu cho thấy, thiếu niên này do nghiện game đánh bạc online "tài xỉu" và không có tiền nạp game nên đã nảy sinh ý định giết người, cướp tài sản.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ cuối năm 2020 đến quý I/2023, cả nước phát hiện gần 20.000 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm 95% tổng số vụ. Riêng quý I/2023 có gần 3.000 đối tượng vi phạm, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Các tội danh chủ yếu là "cố ý gây thương tích"; "gây rối trật tự công cộng"; "giết người". Thống kê cũng cho thấy, tình hình phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên sẽ có tỉ lệ, cách thức khác nhau giữa các vùng miền, khu vực. Tại các thành phố lớn, đô thị đông dân cư, nơi tập trung các khu công nghiệp, tỉ lệ phạm tội tuổi vị thành niên sẽ lớn hơn, mức độ, hình thức phạm tội cũng đa dạng, phức tạp hơn so với khu vực nông thôn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2022 có 2.628 trường hợp phạm tội là thanh, thiếu niên dưới 30 tuổi, chiếm 52,85% tổng số đối tượng bị bắt giữ. Hầu hết những đối tượng này đều phạm tội lần đầu, không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định, trình độ học vấn thấp, lười lao động.
Còn số liệu từ Công an Thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý 99 vụ, làm rõ 1.458 đối tượng, trong đó có 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18. Hơn 96% đối tượng chưa có tiền án, tiền sự.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, giới trẻ đang bị "bủa vây" bởi các yếu tố bất lợi trong môi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ game bạo lực, ấn phẩm phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng. Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử. Trong nhiều trường hợp, những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận trên phim ảnh, clip trên mạng đã trở thành khuôn mẫu để bắt chước, làm theo các nhân vật "yêng hùng", giang hồ mạng… "Bên cạnh đó, môi trường gia đình hiện nay cũng có quá nhiều vấn đề tác động đến người trẻ. Trước hết, do áp lực cuộc sống mưu sinh, nhiều bố mẹ không có thời gian để quan tâm đến con cái. Trong hoàn cảnh liên kết gia đình lỏng lẻo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn. Nếu trẻ bị rủ rê, lôi kéo trong khi chưa đủ khôn để phân định đúng-sai, sự trượt dốc, thoái hoá về nhân cách là điều dễ hiểu".
Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, thanh thiếu niên nước ta hiện nay đang sống trong một môi trường khá phức tạp. Quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại nhiều lợi ích, tích cực cho sự phát triển đất nước nhưng đồng thời cũng để lại khá nhiều hệ lụy. Mặt trái của hội nhập quốc tế là say mê với văn hóa nước ngoài, nhiều khi hào nhoáng, lấp lánh nhưng không phù hợp với văn hóa dân tộc, ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người. Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ là tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, thiếu kiểm soát hành vi trên không gian mạng, từ đó nhiều tiêu cực lan ra không gian sống thực.
Tất cả những thứ đó, theo ông Sơn, khiến các môi trường xã hội hóa quan trọng của thanh thiếu niên bị thay đổi. Điều này khiến cho thanh thiếu niên dễ bị mất phương hướng, mất định hướng giá trị trong bối cảnh hiện nay. Nhiều tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật từ đó mà nảy sinh. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa cần phải ở vị trí tiên phong, tạo ra hệ điều tiết đạo đức để khắc phục tình trạng trẻ hóa tội phạm.
* Còn nữa