pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bao giờ Hà Nội cho học sinh tiểu học và trẻ mầm non tới trường?
Học sinh học online tại nhà - Ảnh: TTXVN
Vừa đi làm vừa trông con
Gần 12h trưa, chị Nguyễn Thanh Thúy, nhân viên ngân hàng vội gấp máy tính, di chuyển từ phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) về nhà tại phố Nguyễn Chính (quận Hoàng Mai) để lo bữa trưa cho cô con gái lớp 3 học online ở nhà. Quãng đường tuy chỉ 5km nhưng những ngày này đã quay trở lại tình trạng tắc đường, khiến việc di chuyển của chị Thuý trở nên mệt mỏi.
"Tôi đã duy trì việc về nhà buổi trưa suốt cả năm nay, kể từ khi con gái học online tại nhà. Tôi chỉ có 2 tiếng để di chuyển cả đi và về rồi chuẩn bị bữa trưa cho con. Đợt dịch bệnh căng thẳng, đường không bị tắc, đi lại dễ dàng hơn. Nay thì tái diễn cảnh tắc đường nên thực sự là tôi rất mệt. Tôi chỉ mong nhà trường sớm mở cửa để con được đi học trực tiếp, phụ huynh yên tâm đi làm", chị Thanh Thuý chia sẻ.
Còn anh Quang Long, nhân viên văn phòng trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), cho biết, từ khi con học online ở nhà, anh phải mua camera lắp trong nhà để giám sát con. Camera được kết nối với điện thoại của anh. Ở công ty, chốc chốc anh lại phải ngó vào điện thoại xem con đang làm gì. "Có hôm không thấy con đâu, gọi điện thoại cũng không được, tôi đành phải phi xe từ cơ quan về nhà những 15 km để tìm con. Vừa đi làm vừa phải trông con, mệt lắm rồi!", vị phụ huynh này chia sẻ.
Lo con hổng kiến thức, bị trầm cảm
Chị Thu Giang (Mai Dịch, quận Cầu Giấy) tỏ ra lo lắng khi các con sắp bước vào kỳ thi học kỳ II nhưng con trai học lớp 4 của chị thì hổng kiến thức trầm trọng. Thỉnh thoảng ở chỗ làm, chị lại nhận được tin nhắn của cô giáo thông báo, con tắt mic, tắt camera, cô giáo không thể kết nối được với con. "Tôi stress khi nhận được điện thoại của một phụ huynh trong lớp thông báo với tôi rằng, con tôi cầm đầu một nhóm bạn bỏ học online, lập nhóm chat riêng để rủ nhau chơi điện tử trong giờ học", chị Giang mệt mỏi kể về việc học online của con mình.
Anh Trần Văn Phúc, một bác sĩ công tác tại Hà Nội, chia sẻ, cô con gái 6 tuổi của anh đã sắp hết lớp 1 mà chưa một lần được gặp mặt cô giáo trực tiếp. Con luôn tỏ ra buồn chán và khóc khi phải ở nhà học qua máy tính, làm bạn với bốn bức tường và không được gặp gỡ bạn bè. Anh Phúc kể: "Tuần trước, tôi đưa con đến nhà đồng nghiệp chơi. Khi ra về, con nằng nặc đòi ở lại chơi với con gái của đồng nghiệp tôi. Con phụng phịu nói rằng, đã lâu lắm rồi con mới có bạn để chơi thế này. Tôi nghĩ mà thương con quá, chỉ mong con sớm được đến trường để giao lưu với thầy cô và các bạn".
Nghịch lý khu vui chơi đông nghịt, trường học lại đóng cửa
Tại Hà Nội, những ngày qua, số ca F0 của thành phố dao động trong khoảng 10.000 ca/ngày. Nhiều hoạt động được mở lại bình thường. Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô đã bước qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, lộ trình mở cửa trường học với học sinh mầm non, tiểu học - nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 - vẫn chưa được đề cập tới.
Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã nhấn mạnh, ngành y tế và các địa phương sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, để khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh. "Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi đó, hàng quán tại Hà Nội đã được mở sau 21h, phố đi bộ cũng được mở lại, lễ hội khinh khí cầu cũng đông nghẹt người…Theo ghi nhận của phóng viên, những khu vui chơi dành cho trẻ tại các trung tâm thương mại, công viên đã tấp nập. Đa số phụ huynh đưa trẻ tới đây đều mong muốn con mình được thư giãn sau một thời gian dài phải ở nhà với "bốn bức tường cùng màn hình máy tính".
Cùng mẹ vui chơi tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, em Lý Khánh An (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Phương Liên, Hà Nội), cho biết, em rất vui khi được ra ngoài chơi đùa thoải mái. "Ở nhà không có gì để làm cả, suốt ngày con chỉ ngồi máy tính với đọc truyện. Con thích được ra ngoài thế này. Không biết bao giờ chúng con mới được đến trường nhỉ?", Khánh An chia sẻ.
"Không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ tới trường"
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường. Ông lý giải, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm. Vị chuyên gia này cho rằng, vừa qua, trẻ em bị nhiễm Covid-19 nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.
"Nếu ở trường thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định. Ông Phu nói thêm, hiện ở nhiều quốc gia, đối với trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine, các nhà chức trách cũng đã cho phép và hối thúc trẻ tới trường.