pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giáo dục sớm cho bé không chỉ là dạy chữ, dạy số
Ảnh minh họa
Giáo dục sớm là khái niệm được đưa ra từ rất lâu tại các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ. Nó bao gồm 1 giai đoạn quan trọng cho phát triển 5 mảng chính ở trẻ gồm: Ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp xã hội, cảm xúc và thể chất. Giai đoạn này được tính từ lúc sinh đến trẻ hết 8 tuổi. Sự học hỏi trong giai đoạn này là quan trọng bởi vì nó trùng với tính linh động trong sự phát triển của các mối nối thần kinh của não bộ trẻ. Do đó, giáo dục sớm nên được hiểu là thời điểm tập trung vào xây dựng trải nghiệm tích cực để trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng cần có trong tương lai, chứ không phải được hiểu hẹp như học toán, học chữ để trẻ biết, để trẻ thông minh.
Các cha mẹ thường nghĩ, cứ cho trẻ một chương trình giáo dục tốt thì trẻ sẽ có lợi ích. Hoặc cho trẻ học ở trường quốc tế hay có phương pháp giáo dục hiện đại là đủ. Tất cả điều này là chưa đủ với trẻ, đặc biệt trong giai đoạn sớm này, bởi vì vật chất trong giai đoạn này là vô nghĩa nếu thiếu những trải nghiệm mà trẻ trải qua.
Đầu tư giáo dục sớm cho trẻ có thể theo những gợi ý sau:
Khởi đầu yêu thương
Trước 3 tuổi, chương trình giáo dục tốt nhất chính là gia đình. Bài học tốt nhất là chơi, giao tiếp, đọc sách, kể chuyện và đối đáp 2 chiều. Cha mẹ chỉ cần dành thời gian ít nhất 30 phút mỗi ngày để làm ít nhất 2 điều trên. Và tất cả điều này nên được làm mỗi tuần.
Đầu tư ngoại ngữ
Đừng quá nôn nóng đầu tư tiếng Anh quá sớm cho trẻ. Não bộ của trẻ đã lập trình rất rõ ràng cho ngôn ngữ. Việc ưu tiên tiếng mẹ đẻ là quan trọng với não bộ trong những năm đầu để trẻ có đủ sự giao tiếp và yêu thương trong các hoạt động cùng cha mẹ.
3-8 tuổi mới được xem là giai đoạn vàng cho việc học ngoại ngữ vì khi đó khả năng linh hoạt cao của não bộ giúp trẻ có thể dễ dàng ghi nhớ cũng như đạt được khả năng tiếp thu và sử dụng tiếng Anh như người bản ngữ.
Trẻ có thể học tiếng Anh từ 3 tuổi. Để đạt được lợi ích tối đa trong việc học tiếng Anh trong giai đoạn này, việc học tiếng Anh của trẻ nên như 1 hoạt động vui chơi có lồng ghép các câu chuyện hay các bài học dưới dạng tương tác và giao tiếp.
Sớm đầu tư giáo dục và tương tác xã hội cho trẻ
Những nghiên cứu cho thấy, việc phát triển giao tiếp xã hội sớm sẽ giúp trẻ trở nên tự tin và thành công hơn khi lớn. Tham gia lớp học mẫu giáo từ 3 tuổi để trẻ có cơ hội giao tiếp với bạn bè. Khi chọn trường mẫu giáo nên chọn nơi giúp trẻ phát triển kỹ năng thông qua vui chơi hơn là 1 nơi chỉ giết thời gian rảnh rỗi của trẻ bằng việc cho xem ti vi, hoặc chỉ ăn và ngủ.
Trẻ nên có cơ hội học hoặc phát triển các năng khiếu khác như: đánh đàn piano, đánh cờ... từ 3 tuổi, nhưng nên nhớ trẻ nên được học trong môi trường vui chơi là chính.
Từ 5 tuổi, trẻ có thể tham gia các môn thể thao như bơi lội, võ thuật để giúp bé tăng cường thể chất cũng như các hoạt động đồng đội giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội sớm như hợp tác, chia sẻ và cố gắng.