Bảo hiểm tự nguyện bị 'bắt buộc' mua 

29/09/2018 - 10:00
Khi được hỏi về việc tại sao bảo hiểm tự nguyện lại đưa vào thông báo các khoản thu bắt buộc đầu năm học? Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Lương (Đô Lương, Nghệ An) khẳng định, đây là khoản tiền do lớp trưởng các lớp thỏa thuận với bưu điện rồi tổ chức thu, nhà trường không liên quan.

Bảo hiểm tự nguyện bị “bắt buộc” mua 

Anh Nguyễn Đình H., một phụ huynh trường THCS Mỹ Sơn, giãi bày: “Họp phụ huynh về, tôi thấy vợ than vãn về tờ danh mục nộp các khoản phí hơn 2 triệu đồng của học kỳ 1, trong đó riêng khoản bảo hiểm thân thể là 100.000 đồng/năm. Tôi hỏi năm nay mua loại bảo hiểm này của bên nào thì vợ tôi nói không rõ”.

my-son.jpg
Trường THCS Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) 

 

Một phụ huynh khác cho biết: “Nhà trường thông báo nộp bảo hiểm thân thể thì chúng tôi nộp cho con chứ không biết làm sao. Thậm chí chúng tôi cũng không biết đóng bảo hiểm thân thể thì con em chúng tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì?”.

 

Bảo hiểm thân thể, có nơi gọi là bảo hiểm toàn diện, bảo hiểm tai nạn là loại hình bảo hiểm tự nguyện giữa đơn vị tổ chức bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Vì vậy, việc đưa bảo hiểm thân thể vào thông báo các khoản tiền phải thu đầu năm khiến phụ huynh hiểu là một khoản thu bắt buộc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều phụ huynh tỏ ra khá bất bình về khoản thu bảo hiểm tự nguyện này, thậm chí có nhiều phụ huynh không biết đã mua bảo hiểm của đơn vị nào và quyền lợi được hưởng ra sao.

 

Trao đổi với thầy Nguyễn Văn Dzụ, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Sơn, thầy cho biết: “Phía bên đơn vị kinh doanh bảo hiểm bưu điện huyện Đô Lương tự thỏa thuận với lớp trưởng của các lớp và em lớp trưởng có nhiệm vụ thu tiền đóng bảo hiểm của các bạn trong lớp và nộp lại cho bên bảo hiểm bưu điện huyện”.

 

Theo thầy Dzụ, phía nhà trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp không hề liên quan đến việc đóng bảo hiểm thân thể của học sinh. Việc mua - bán bảo hiểm thân thể là sự thỏa thuận trực tiếp giữa đơn vị kinh doanh bảo hiểm và học sinh, cụ thể là lớp trưởng của các lớp.

 

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, với học sinh nằm trong độ tuổi này đã đủ điều kiện để giao dịch hợp đồng dân sự với bên bảo hiểm hay chưa? Việc giao dịch “mua – bán” này của học sinh diễn ra trong môi trường học đường đã hợp lý chưa? Thì thầy Dzụ cho rằng, cái này đã được sự đồng ý thống nhất của các bậc phụ huynh.

 

Mặc dù thầy Nguyễn Văn Dzụ, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Sơn nhất quyết khẳng định phía nhà trường và giáo viên chủ nhiệm không có liên quan và không biết đến khoản thu bảo hiểm tự nguyện của học sinh. Thế nhưng trong bản thông báo của nhà trường gửi về cho phụ huynh lại nêu rõ các khoản thu trong năm học mới, trong đó có khoản thu bảo hiểm tự nguyện với tên gọi bảo hiểm thân thể và yêu cầu phụ huynh tự tính tổng số tiền phải nộp cho con em mình để nạp về cho giáo viên chủ nhiệm kịp thời, đúng theo lịch.

 

Phớt lờ chỉ đạo? 

Không chỉ phản ánh về sự mập mờ, không minh bạch trong khoản thu bảo hiểm tự nguyện trên, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường này còn phản ánh việc Trường THCS Mỹ Sơn tự tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp nghỉ hè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

nam-hoc.jpg
Giấy thông báo các khoản thu năm học mới tại trường THCS Mỹ Sơn

 

Một số phụ huynh có con học tại trường THCS Mỹ Sơn cho biết: “Từ giữa tháng 8 (cụ thể là ngày 20/8/2018), trường đã tổ chức cho các cháu đi học. Học gì thì chúng tôi cũng không biết, chỉ biết cháu học 2 môn là Văn và Toán. Ngày 2 buổi, buổi sáng từ 7h đến 11h, buổi chiều từ 2h đến 5h. Từ hôm đó đến ngày 24/8/2018, con chúng tôi đã học 8 buổi, cô giáo đã bảo cháu về đóng tiền số tiền là 300 nghìn đồng/học sinh”.

 

Bà L. – phụ huynh có con học lớp 7 tại trường THCS Mỹ Sơn - cho hay: “Con tôi mới đi học được 3 hôm thì về nói mẹ nộp 300 nghìn tiền học. Tôi không biết các cháu đang học chương trình gì, học như thế nào và thu tiền 300 nghìn là cho mấy ngày học này hay như thế nào. Nhà trường hoàn toàn chưa có sự thông báo hay thỏa thuận gì với phụ huynh về việc học của các cháu trong thời điểm này”.

 

Lý giải cho việc này, thầy Nguyễn Văn Dzụ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Về việc nhà trường tổ chức học thêm, dạy thêm trong dịp hè là đúng. Do kết quả chất lượng của các em học sinh còn yếu nên hiện nay nhà trường đang phụ đạo cho các em học sinh yếu kém để thi lại. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức dạy thêm cho các em thuộc đối tượng học sinh khá giỏi”.

 

“Tại Mỹ Sơn không có lò học thêm nào cả, việc học thêm là rất cần thiết với các em học sinh để bổ trợ lại kiến thức. Bởi chất lượng đại trà của các em xếp loại yếu kém rất nhiều. Về việc tổ chức học thêm, dạy thêm chúng tôi theo nhu cầu của phụ huynh và được phép của Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương”, thầy Dzụ cho biết thêm.

 

Theo thầy Dzụ, việc tổ chức học hè là do chất lượng đại trà của các em xếp loại yếu kém rất nhiều. Tuy nhiên, khi phóng viên xin được tiếp cận về các biên bản cuộc họp thống nhất của phụ huynh thì thầy Dzụ lại trả lời là phụ huynh gọi điện cho tôi. Phóng viên lại đặt câu hỏi, nhà trường đang dạy thêm cho gần như 100% em học sinh, không lẽ trường mình số lượng học sinh yếu kém nhiều đến vậy, phải thi lại cả trường? Chúng tôi nhận được câu trả lời là im lặng.

 

Trên thực tế, kết quả tổng kết của trường cho thấy thì số lượng học sinh yếu toàn trường chỉ có 10 học sinh, còn học sinh kém không có học sinh nào.

 

Theo công văn số 336/GP-PGD-ĐT của phòng GD&ĐT huyện Đô Lương thì trường THCS Mỹ Lương chỉ được tổ chức dạy thêm, học thêm cho các em thuộc khối 6,7,8 bắt đầu từ ngày 11/9/2018 đến ngày 25/5/2019; đối với các em học sinh khối 9 bắt đầu từ ngày 11/9/2018 đến ngày 4/6/2019.

 

Mặc dù công văn trên cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trước khi khai giảng nhưng trường THCS Mỹ Sơn vẫn phớt lờ chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục địa phương để tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè một cách công khai.

 

Trường THCS Mỹ Sơn là ngôi trường đặt trên một xã thuộc nhóm nghèo nhất của huyện Đô Lương. Trong các năm học trước, trường THCS Mỹ Sơn là đơn vị có “thành tích” về dạy thêm học thêm với trung bình mỗi năm khoảng 120 buổi học thêm, số tiền là 15 nghìn đồng/buổi. Năm học 2018 - 2019, theo kế hoạch mà thầy Nguyễn Văn Dzụ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã đề xuất 160 buổi học thêm và đã được phê duyệt của phòng là 140 buổi. Đây thực sự là con số không nhỏ đối với phụ huynh xã nghèo Mỹ Sơn. 

 

“Học sinh với đơn vị kinh doanh bảo hiểm bưu điện huyện tự tổ chức thỏa thuận “ký hợp đồng” với nhau, phía nhà trường không liên quan đến khoản thu này”.

Thầy Nguyễn Văn Dzụ, Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm