Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội

Mai Anh
05/06/2020 - 09:58
Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc và những thuận lợi khi triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô; khẳng định bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Chiều 4/6/2020, tại Quảng Xương, Thanh Hóa, đã diễn ra Hội nghị bàn về thực trạng triển khai bảo hiểm vi mô. Hội nghị nhằm lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội. Tham dự Hội nghị có ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; bà Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; bà Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, đơn vị của TƯ Hội. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc và những thuận lợi khi triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô; khẳng định bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Do vậy, các đại biểu đề nghị TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục mở rộng cung cấp các gói sản phẩm bảo hiểm vi mô; tăng cường nâng cao nhận thức về bảo hiểm vi mô thông qua các khóa tập huấn, hội thảo, truyền thông, chia sẻ thông tin về quyền lợi bảo hiểm. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, xem xét, cho ý kiến ban hành Nghị định về triển khai bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị xã hội theo hướng đặc thù, nhằm tạo điều kiện hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận được đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của hội viên trong thực tiễn cuộc sống.

Kết luận hội nghị, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong tiên phong cung cấp bảo hiểm vi mô và khẳng định chủ trương đúng đắn cần thiết phải ban hành Nghị định bảo hiểm vi mô dành cho các tổ chức chính trị xã hội nhằm tạo mở và tạo động lực cho hoạt động bảo hiểm vi mô ngày càng phát triển rộng rãi tại Việt Nam. Đồng thời, đồng chí cũng hy vọng khi Nghị định về Bảo hiểm vi mô được chính thức ban hành, các tổ chức chính trị xã hội tích cực cùng Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân nghèo, thu nhập thấp, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu tại Hội nghị

Sau khi kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã tới thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên phụ nữ không may bị tử vong và nhận quyền lợi bảo hiểm vi mô với số tiền tổng cộng 50 triệu đồng tại huyện Quảng Xương và thành phố Sầm Sơn.

Quỹ Bảo hiểm vi mô của TƯ Hội LHPN Việt Nam đang hợp tác với Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) cung cấp sản phẩm bảo hiểm Tương trợ vốn vay cho hội viên phụ nữ tại 12 tỉnh, thành phố.

Tính từ thời điểm triển khai 15/6/2016, đến nay tổng số phụ nữ tham gia bảo hiểm vi mô là hơn 170 nghìn người. Quỹ đã chi trả bồi thường bảo hiểm kịp thời cho 342 trường hợp không may gặp rủi ro qua đời, với tổng số tiền gần 8,2 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm vi mô sẽ tiếp tục cung cấp sản phẩm bảo hiểm Tương trợ y tế và Tương trợ nhân thọ để tăng thêm sự bảo vệ cho hội viên phụ nữ và người thân của họ (chồng, con).

Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị tới thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên phụ nữ tại Thanh Hóa

Với mức phí bảo hiểm phù hợp, dễ tiếp cận, thủ tục bồi thường đơn giản, nhanh chóng, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của TYM so với các tổ chức tín dụng khác, góp phần gia tăng số lượng hội viên vay vốn và tiết kiệm tại TYM, tham gia sinh hoạt và gắn bó với tổ chức Hội. Bảo hiểm vi mô khẳng định vai trò của Hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm