Bão số 12 gây thiệt hại nặng về người và tài sản

06/11/2017 - 17:25
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các địa phương đã thống kê có 46 người chết và vẫn còn 15 người mất tích do bão số 12. Có 10 tàu vận tải bị sự cố, trong đó có 2 tàu nghiêng và 8 tàu bị chìm...

Theo báo cáo của các địa phương và các bộ, ngành, tính đến sáng 6/11, thiệt hại ban đầu do bão số 12 và mưa lũ gây ra đã làm 44 người chết, tăng 17 người so với ngày 4/11, trong đó Quảng Ngãi (4 người), Bình Định (3 người); Phú Yên (1 người); Khánh Hòa: (27 người); Lâm Đồng (3 người), Kon Tum (1 người); Đắk Lắk (1 người) và 4 người chết do sự cố tàu vận tải.

Hiện có 19 người mất tích, giảm 3 người so với 4/11, trong đó Quảng Ngãi (1 người), Bình Định (3 người); Phú Yên (1 người); Khánh Hòa (5 người) và 9 người mất tích do sự cố tàu vận tải.

Bên cạnh thiệt hại về người, bão số 12 và mưa lũ đã làm 1.358 nhà bị sập đổ; 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng. 

Có 1.286 tàu cá bị chìm, hư hỏng, trong đó Đà Nẵng có 4 tàu; Quảng Ngãi (3 tàu), Bình Định (19 tàu); Phú Yên (119 tàu); Khánh Hòa (1.141 tàu).

Tại cuộc họp trực tuyến cùng các bộ ngành, địa phương đánh giá công tác đối phó bão số 12 và tình hình mưa lũ còn tiếp diễn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì chiều 6/11, Chính phủ đánh giá: Tình hình bão lũ ở miền Trung thiệt hại rất nghiêm trọng.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 12 là cơn bão rất nguy hiểm, cấp độ thiên tai cấp 4 đã gây thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng đánh giá bão số 12 mặc dù cũng có cấp độ thiên tai cấp 4 như bão số 10, nhưng có mức độ nguy hiểm, khốc liệt hơn, ở chỗ bão đổ bộ vào trong bối cảnh hồ, sông đầy nước và gây ra một lượng mưa đặc biệt lớn. Bão đổ bộ vào Khánh Hòa-Phú Yên với cấp 12, giật cấp 14, kèm theo mưa rất lớn, có những điểm mưa lớn tới 1.400mm. 

5.jpg
Bão số 12 (Damrey) là cơ bão có mức độ nguy hiểm cao

 

Việc đối phó với bão số 12 đã được triển khai quyết liệt. Đã sơ tán dân ra khỏi nơi không an toàn. Các hồ thủy điện, thủy lợi đã được kiểm tra, giám sát bởi ban chỉ huy các tỉnh. 

Sau bão số 12, các lực lượng đã nỗ lực tìm kiếm người mất tích, huy động lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại.

1.jpg
Bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản

 

"Trọng tâm hiện nay là ứng phó với mưa lũ. Đặc biệt hiện nay phải tiếp tục dồn sức vào bảo vệ hồ, điều hành hồ, sơ tán dân. Có nhiều hồ nước vẫn lên, vẫn phải chủ động sơ tán dân, đề phòng khả năng xấu nhất. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng hỗ trợ gạo cho người dân, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh thiệt hại khắc phục hậu quả" - ông Cường kiến nghị.

Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo ông Lê Đức Vinh, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tổng thiệt hại ước tính 7.000 tỉ đồng. Tại tỉnh này có 27 người chết, 5 người còn mất tích. Toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái, 241.520 con gia súc gia cầm chết, bị cuốn trôi, 1.141 chiếc tàu thuyền bị chìm. Hiện nay các tuyến đường vẫn còn bị ách tắc, đường điện bị đứt chưa khắc phục xong, riêng hệ thống điện thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng.

6.jpg
Nhiều tàu thuyền bị bão đánh chìm, làm hư hỏng nặng

 

Hiện tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả, thăm hỏi động viên các gia đình có người thiệt mạng, bố trí nơi ở tạm cho các gia đình có nhà sập, đưa lực lượng về hỗ trợ người dân sửa chữa nhà. Tỉnh cũng đã hỗ trợ lương thực thực phẩm đảm bảo người dân không bị đói.

Dự kiến phải 1-2 ngày nữa tỉnh Khánh Hòa mới hoàn thành khắc phục sự cố. Riêng hệ thống thông tin liên lạc, dù ngành viễn thông đã cô gắng, nhưng việc khắc phục còn gặp khó khăn, một số nơi chưa liên lạc được.

Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo, 250 tỉ đồng khơi phục sản xuất, 500 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hệ thống thủy lợi, 400 tỉ đồng khắc phục hạ tầng nhà ở, hỗ trợ thuốc và hoá chất xử lý mầm bệnh. 

4.jpg
Công tác khắc phục hậu quả bão 12 đang được triển khai khẩn trương

 

Ban chỉ đạo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều nguyên nhân, hạn chế đối với thiệt hại về người và tài sản. 

Những nguyên nhân, hạn chế đối với thiệt hại về người được chỉ rõ: Thứ nhất, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực; Thứ hai, nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm ứng phó với bão lớn; Thứ ba, việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn-Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế; Thứ tư, phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn; Thứ năm, lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế.

Ban chỉ đạo cũng nêu rõ, năng lực của các cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực chịu ảnh hưởng bão số 12 vừa qua còn rất nhiều hạn chế, còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm