Bão số 12 gió giật cấp 15 đổ bộ vào Khánh Hòa

04/11/2017 - 07:47
Bão số 12 với sức gió giật cấp 15 đổ bộ bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa vào rạng sáng hôm nay, 4/11 với tâm bão thuộc Nha Trang - Ninh Hòa.
bao_so_12_giat_cap_15_do_bo_phu_yen_binh_thuan_bmiu.jpg
Hình ảnh bão số 12 

 

Tập trung cao độ đảm bảo an toàn tính mạng người dân, du khách

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, có mặt tại Khánh Hoà cho biết: Bão số 12 đã đổ bộ vào Khánh Hoà, Phú Yên với cường độ giật cấp 12, mưa rất lớn. Qua thị sát sáng nay cho thấy, điều lo ngại nhất là phải tập trung cao độ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Cụ thể, tại Phú Yên, 2 giờ sáng mất điện trên diện rộng. Một số vùng buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn. Có những vùng mưa lớn, những vùng úng trũng nguy cơ bị chia cắt, chúng tôi yêu cầu Phú Yên tập trung mọi nguồn lực dự trữ từ pin mặt trời đến hệ thống năng lượng khác để đảm bảo thông tin chỉ đạo.

bao-so-12-vao-khanh-hoa.jpg
Bão số 12 đổ bộ vào nha trang.

 

Còn tại Khánh Hoà, điều lo  ngại nhất hiện nay là  an toàn tính mạng nhân dân. Bởi vì ở vùng này khách du lịch rất đông, các thiết kế nhà cao tầng, kể cả khách sạn, tính thích ứng với bão lớn như  thế nào có chỗ chưa đảm bảo. Khi bão vào, tôn, cửa kính bị tốc rất  nhiều. Vì vậy, chính quyền kiên quyết không để dân đi ra đường trong bất kỳ hoàn cảnh nào để đảm bảo an toàn tính mạng.

Đối với du khách, tỉnh trực tiếp lên Đài Truyền hình kêu gọi các khách sạn, nhà hàng phải níu giữ không cho khách ra ngoài khách sạn để đảm bảo an toàn tính mạng; đồng thời phải kiểm tra kỹ những vị trí của các công trình này, có chỗ nào không đảm bảo phải khắc phục ngay hoặc di dời ngay khách đến những nơi an toàn hơn.

bao-so-12-vao-khanh-hoa1.jpg
Bão số 12 gây tốc mái, vỡ kính nhiều nhà cửa. Vì vậy, vấn đề hàng đầu là an toàn tính mạng cho người dân, du khách.

 

Hiện, các lực lượng thường trực tại các  trung tâm chỉ huy của các tỉnh, thường xuyên đưa ra phương án xử lý sự cố. Nếu đi kiểm tra các vị trí phải sử dụng xe chuyên dụng của quân đội quân khu 5 và các lực lượng quân đội đang trú quân trên địa bàn hiện nay để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Ban chỉ đạo trung ương tập trung xử lý cùng các địa phương.

Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), kể từ khoảng 1 giờ sáng ngày 4/11, trên địa bàn huyện bắt đầu có gió mạnh kèm theo mưa lớn. Đến khoảng 4 giờ 30 cùng ngày lượng mưa có giảm nhưng sức gió tăng lên rất mạnh khiến hệ thống điện trên địa bàn bị hư hỏng buộc phải cắt điện. Đồng thời đã có hàng nghìn căn nhà của người dân trên địa bàn bị tốc mái, sập tường, cây cối đổ ngã, cột điện bị ngã; nhiều công trình trường học, trụ sở các cơ quan bị hư hỏng nặng. Sóng biển cao 8m. Nhiều lồng bè nuôi trồng hải sản của người dân bị sóng đánh vỡ. Hiện UBND huyện vẫn chưa thống kê được tình hình thiệt hại về người và tài sản.

Đến khoảng 6 giờ 30, gió vẫn còn rất mạnh kèm theo mưa lớn. Chính quyền địa phương liên tục cảnh báo người dân không nên ra đường vào thời điểm gió mạnh. Lực lượng chức năng vẫn đang túc trực ở các vùng xung yếu để hỗ trợ, giúp đỡ người dân di tản người và tài sản về những nơi an toàn. Đặc biệt huyện đã đưa hơn 6.900 người dân ở những vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn… 

Chủ động di dân tránh bão

Ông Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết, đến cuối ngày 3/11 toàn thành phố có gần 1.000 hộ dân được di chuyển tới trụ sở nhà văn hoá thôn, đồn biên phòng, hoặc nhà người thân. Công tác di dời và kiểm tra người dân chấp hành di dời vẫn được các xã, phường nghiêm túc thực hiện. Lực lượng chức năng sẽ túc trực trắng đêm để kịp thời ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.

bao-so-12-vao-khanh-hoa-3.jpg
bao-so-12-vao-khanh-hoa-5.jpgNgười dân ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã được chính quyền chủ động di dời tránh bão

 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết: "Toàn xã Phước Đồng có nhiều khu dân cư ở những địa điểm không an toàn khi mưa bão đến. Do đó, ngày từ chiều 3/11, UBND xã đã cho di dời gần 100 người dân ở thôn Thành Đạt về Trạm Biên phòng Hòn Rớ. Khoảng 150 người dân thôn Thành Phát cũng được đưa về Nhà văn hóa thôn Thành Phát để ở. Riêng khu vực thôn Phước Lộc, nơi đã từng xảy ra sạt lở núi năm 2016, chính quyền địa phương đã di dời khoảng 20 hộ gia đình ở đây về nơi an toàn".

Tại những nơi ở tập trung, người dân được cung cấp đồ ăn, nước uống, mùng, mền để có thể ở lại qua đêm, đợi bão tan. Tuy nhiên, đến 22 giờ vẫn có một số hộ dân tìm cách trốn về nhà để ngủ do đó cán bộ địa phương liên tục phải giám sát, kiểm tra để người dân ở lại nơi an toàn. Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, trực ở khu vực Hòn Rớ cho hay: "Khi chúng tôi đi vận động di dời dân, nhiều hộ không chịu đi, đến lúc cưỡng chế họ còn lớn tiếng. Khi đã về nơi ở tập chung, nhiều người vẫn tìm cách trốn về nhưng chúng tôi cương quyết không cho về. Toàn bộ cán bộ xã tối nay sẽ thức trăng đêm để đảm bảo an toàn cho người dân". 

bao-so-12-vao-khanh-hoa-6.jpg
Cán bộ xã thăm hỏi, động viên người dân ở Ninh Hòa, Khánh Hòa khi bão đến.

 

Tại Trạm Biên phòng Hòn Rớ, chị Ngô Thị Lâm Vân (xóm Mũi, thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) mới sinh con 2 tháng tuổi cho biết, khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, cán bộ xã đến vận động nên chị khăn gói, tay bế con gái nhỏ, tay dắt con gái lớn đến trú bão ở đây cho an toàn. “Ông xã ở nhà trông nhà còn mẹ con nheo nhóc phải đi chứ lỡ có chuyện chạy không kịp”, chị Vân cho hay. Có hơn 30 hộ với hơn 60 nhân khẩu (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) cũng di dời đến Trạm Biên phòng Hòn Rớ như chị Vân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm