Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch để phát triển kinh tế

N.Vân
02/12/2023 - 18:00
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch để phát triển kinh tế

Nhiều sản phẩm đặc sản của các địa phương đã trở thành thế mạnh được tiêu thụ ở các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ xung quanh nội dung khai thác văn hóa tài nguyên bản địa thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước với nhiều giá trị đặc sắc. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa. Trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, phát triển sản phẩm hàng hóa khá hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của văn hóa dân tộc vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy, việc khai thác giá trị của văn hóa các dân tộc chưa phát huy hết tiềm năng. Do đó, cần có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, đưa yếu tố văn hóa thành lợi thế giúp phát triển kinh tế tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này:

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch để phát triển kinh tế- Ảnh 1.

TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

- Đặc thù nước ta có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, lại phân bổ rải rác ở các địa phương. Điều này đòi hỏi cách thức khai thác các giá trị văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc ở từng địa phương cũng cần có hướng đi khác nhau. Xin ông cho biết, có những cách thức nào để khai thác, tận dụng những giá trị văn hóa dân tộc này để phát triển sản phẩm hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc?

Trong dân tộc học, trước hết, để khai thác được thì chúng ta phải định hướng về tư tưởng. Hiện có hai luồng tư tưởng xung quanh vấn đề bảo lưu văn hóa truyền thống.

Một là, những gì văn hóa truyền thống thì cứ giữ, đừng thay đổi gì cả, dù biến động thế nào, dù là kinh tế hoá, toàn cầu hóa thì vẫn cứ phải giữ lại, giữ lại như vậy đã là phát triển rồi.

Hai là, văn hóa vừa là bảo tồn, vừa là phát huy rồi làm giàu nữa. Làm giàu tức là mình vận dụng văn hóa để làm giàu, cũng như là quay ngược lại để đầu tư cho vốn văn hóa phát triển.

Gần đây, cách nghĩ thứ hai được đánh giá cao hơn, nghĩa là chúng ta không chỉ bảo tồn nguyên dạng. Văn hóa vừa có thể là hình khối, vừa có thể là không định nghĩa được hình khối. Nhưng phải làm thế nào để phát huy được và làm giàu được. Vấn đề đặt ra là chúng ta định hướng được việc bảo tồn, phát huy, làm giàu và đổi mới liên tục.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch để phát triển kinh tế- Ảnh 2.

Văn hóa dân tộc được đưa vào sản phẩm, hàng hóa của từng địa phương

- Để tạo nên bản sắc của sản phẩm hàng hóa gắn với giá trị văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, thưa TS. Chu Xuân Giao, nên lựa chọn hướng khai thác giá trị văn hóa như thế nào?

Câu hỏi này cũng là trăn trở của các địa phương, các nhà nghiên cứu chúng tôi và đặc biệt là những người đang trực tiếp sản xuất. Chúng ta phải đầu tư thời gian cũng như phải thử nghiệm để địa phương hóa được, để vùng hóa được. Chúng ta cần phải có những đầu tư chiều sâu, đầu tư trong một thời gian dài, kết hợp giữa các nhà. Chúng ta phải hoạch định và nghiên cứu đa chiều. Các nhà dân tộc học chỉ đóng góp một phần thôi nhưng chính sách hay doanh nghiệp và những người thụ hưởng, người khách thì cũng cần tham gia kết nối vào quá trình đó và thời gian này phải để lâu, không được làm vội.

Ví dụ như khâu nhục thì chỉ là món ăn của vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, cụ thể là dân tộc Tày Nùng, nhưng món ăn này ngon ở đâu, cách làm như thế nào, địa phương nào ngon thì chưa biết… Hay thắng cố là món ăn ngày xưa chúng ta rất phê phán, thế nhưng bây giờ thì đi đâu cũng có, vấn đề là thắng cố ở đâu là ngon… hay là xôi ngũ sắc có những câu chuyện sử thi liên quan đến xôi ngũ sắc, tại sao lại là 7 màu, tại sao lại có 5 màu… thì phải có một quá trình để các nhà đầu tư ngồi hoạch định ra và quảng bá những văn hóa đó và sau đó đi vào sản xuất. Theo tôi nghĩ, chúng ta phải làm từ từ và làm có chiều sâu và địa phương hoá.

Việc toàn cầu hóa và số hóa sẽ giúp cho thảo luận nhanh hơn, tuy nhiên chúng ta vẫn phải đầu tư một thời gian rất dài. Vấn đề là phải chiêm nghiệm được và đưa ra trên bàn giấy đã rồi hẵng làm chứ không phải thích là làm ngay được.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch để phát triển kinh tế- Ảnh 3.

Để khai thác những giá trị văn hóa thì phải định hướng được về tư tưởng: bảo tồn, phát huy, làm giàu và liên tục đổi mới

- Thưa TS. Chu Xuân Giao để tận dụng hiệu quả các giá trị văn hóa trong phát triển, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương, tổ chức cần phải chuẩn bị những gì và cần thêm những hỗ trợ như thế nào từ các cấp, các ngành?

Trong các tổ chức, có những tổ chức nhà nước, như Bảo tàng Dân tộc học, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… và rất nhiều các tổ chức, các quỹ khác mang tính chất tự nguyện. Bây giờ vấn đề khai thác từ cộng đồng và trả lại cộng đồng đã quá quen thuộc với tất cả mọi người, không cần phải quảng bá nhiều nữa rồi. Vấn đề đó đã gần như là lý tưởng chung của tất cả các tổ chức rồi, nhưng phải luôn luôn sáng tạo đổi mới. Sáng tạo đổi mới ở đây không phải thấy người ta "vác mai" thì mình cũng đi "vác mai", người ta đi bắt cá thì mình cũng đi bắt cá, tức là mình không phải theo phong trào, mà phải tìm được những hướng đi riêng.

Thứ hai là phải xác định đây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, kiên trì và cố gắng làm ra một kết quả gì đó cho riêng nhóm của mình, tạo nên thương hiệu bền vững.

Chúng ta không nên bằng lòng với những gì đang có. Nếu như chúng ta không tự đổi mới, thì sẽ bị đẩy lùi, lạc hậu đi.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm