Bảo tồn thành công lách cho bệnh nhân tai nạn giao thông

04/05/2019 - 16:50
Sau tai nạn giao thông, bệnh nhân được xác định vỡ lách độ 4 nguy kịch. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cứu sống và bảo tồn thành công lách cho nữ bệnh nhân.

Ngày 4/5, bác sĩ Hoàng Phú Khánh (BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, BV vừa cứu sống nữ bệnh nhân N.T.L. (27 tuổi, ở  Quảng Ninh) bị vỡ lách độ IV do tai nạn giao thông.

Trước đó, bệnh nhân bị tai nạn trong khi tham gia giao thông và được người dân đưa đến cấp cứu tại BV Việt Nam-Thụy Điển. Theo bác sĩ Khánh, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, hông, vùng bụng cùng nhiều vết bầm tím trên khắp người.

Kết quả thăm khám, siêu âm, chụp CT ổ bụng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương ngực, bụng, vỡ lách độ IV, đụng dập nhu mô phổi. Sau khi hội chẩn, BV chỉ định nút động mạch lách cho người bệnh.

                                          Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

Bác sĩ Khánh cho biết, nút động mạch lách là phương pháp điều trị nội mạch dưới sự hỗ trợ của máy Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và là một trong những kĩ thuật khó, đòi hòi trình độ và chuyên môn rất cao. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ dùng một ống thông nhỏ luồn từ động mạch đùi lên động mạch chủ vào động mạch lách. Từ động mạch lách, bác sĩ bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của lách, tìm đến động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng. Sau khi xác định được mạch máu bị tổn thương, vật liệu tắc mạch sẽ được bơm vào động mạch bị vỡ để cầm máu và giúp lành vết thương. Thủ thuật nút động mạch lách được diễn ra nhanh chóng, chính xác.

Sau can thiệp, sức khỏe của bệnh nhân bệnh ổn định, lá lách được bảo tồn thành công. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại BV, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Khánh, với tình trạng của bệnh nhân, trước đây người bệnh sẽ phải trải qua một cuộc đại phẫu mà khả năng giữ lại lá lách là không cao. Với phương pháp nút động mạch lách, người bệnh sẽ ít đau đớn, mất ít máu hơn, phục hồi nhanh chóng. Đăc biệt, kỹ thuật này giúp bảo tồn thành công lá lách cho người bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm