Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống: Việc làm cấp thiết để "giữ hồn dân tộc"

Hà Nhân
14/04/2025 - 09:30
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống: Việc làm cấp thiết để "giữ hồn dân tộc"

Các “nghệ sĩ” chèo làng quê say sưa với những điệu chèo cổ. Ảnh: TTXVN

Nghệ thuật truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại hình: Sân khấu, âm nhạc, múa, mỹ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, những giá trị di sản ấy được gìn giữ, phát huy sao cho hiệu quả, đến được với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, là vấn đề cần được quan tâm.
"Mỏ vàng" chưa được khai thác đúng tiềm năng

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật truyền thống Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng. Ở mỗi loại hình lại có nhiều thể loại khác nhau như sân khấu có tuồng, chèo, cải lương, múa rối; múa có múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng; âm nhạc có ca trù, hát xoan, bài chòi, quan họ, nhã nhạc, hát văn, xẩm…; 

mỹ thuật có tranh khắc gỗ dân gian, nghệ thuật chạm khắc đình làng, nghệ thuật điêu khắc tượng tròn, nghệ thuật trang trí kiến trúc, nghệ thuật tranh kính… 

Sự phong phú, đa dạng nói trên minh chứng cho sự giàu có về di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển, lưu truyền từ hàng nghìn năm lịch sử.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế" được tổ chức mới đây, PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho rằng nghệ thuật truyền thống Việt Nam chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc, phản ánh trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam. 

Trong lịch sử dân tộc, nghệ thuật truyền thống luôn có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, không tách khỏi sự nghiệp "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". 

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống: Việc làm cấp thiết để “giữ hồn dân tộc”- Ảnh 1.

Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch quyết định ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường hiện nay, nghệ thuật truyền thống, với tư cách là sản phẩm hàng hóa, được công chúng đón nhận và đem lại nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. 

Bên cạnh đó, nghệ thuật truyền thống nằm trong nguồn thứ ba của sức mạnh mềm văn hóa - di sản văn hóa (cùng với bản sắc dân tộc và thể chế).

Chúng ta phải phân định rạch ròi giữa bảo tồn và phát huy giá trị. Bảo tồn là giữ nguyên, còn phát huy giá trị là khai thác. Khai thác bằng công nghệ, bằng tính biểu diễn, tính nghệ thuật. Đồng thời, có bảo tồn tốt mới khai thác, phát huy giá trị được”.

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ ra thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập như: Thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận có chất lượng; chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng của nghệ thuật truyền thống đóng góp vào sự phát triển của đất nước; công tác tổ chức thực hiện chủ trương, quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống ở một số lĩnh vực, địa phương còn hạn chế; cơ chế chính sách còn bất cập, đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; công chúng am hiểu và yêu thích nghệ thuật truyền thống ngày càng thưa thớt....

Các cơ quan, các nhà quản lý văn hóa cũng như những văn nghệ sĩ và người hoạt động ở lĩnh vực sân khấu truyền thống đều nhận thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống là một việc làm cấp thiết để "giữ hồn dân tộc". 

Tuy nhiên, thực tế, việc hoạt động thực tiễn bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống còn lúng túng, dường như vẫn chưa tìm được hướng đi nào mới, khả quan.

Những trở ngại cần vượt qua

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, chỉ ra thực trạng khán giả ngày nay đã quay lại với nghệ thuật truyền thống. Không chỉ tầng lớp khán giả trung niên mà cả thể hệ trẻ cũng có xu hướng tìm hiểu nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng. 

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống: Việc làm cấp thiết để “giữ hồn dân tộc”- Ảnh 2.

Các liền anh, liền chị Quan họ

Song, như vậy vẫn chưa đủ để phát triển và bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Để vừa phát triển kinh tế đất nước, vừa mở rộng cánh cửa hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa - hồn cốt dân tộc, việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay. 

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, nghệ thuật sân khấu truyền thống đang đứng trước những thách thức lớn cần phải vượt qua như tình trạng thiếu vắng khán giả; các nghệ sĩ, nghệ nhân không thể sống được bằng nghề; không có không gian, cơ sở để hoạt động nghề nghiệp chuyên môn. Cùng với đó là tình trạng khó tuyển sinh cũng như tìm kiếm tài năng trẻ của kịch hát dân tộc, gây ra tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận”.

PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

"Nghệ thuật truyền thống ra đời từ nhân dân và phục vụ nhân dân. Có nghĩa là nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể hưởng thụ. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống và xã hội, không gian sáng tạo đã mất đi", NSND Xuân Bắc chia sẻ.

Theo NSND Xuân Bắc, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mang tính văn hóa nhiều hơn là tính biểu diễn. Nhìn từ Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối… nếu muốn hiểu nghệ thuật thì phải hiểu văn hóa Việt Nam trước. 

"Đối với người Việt, điều đó tự nhiên ở trong máu rồi, nhưng đối với khách quốc tế, để hiểu nghệ thuật truyền thống của chúng ta rất khó vì thiếu tính biểu diễn", NSND Xuân Bắc chỉ ra trở ngại trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. 

Lấy ví dụ nghệ thuật hát Xoan, NSND Xuân Bắc đặt câu hỏi: "Nếu không có thông tin giới thiệu trước, chỉ đem đi biểu diễn thì du khách nước ngoài sẽ xem được bao lâu? Không phải hát Xoan không hay mà vì nghệ thuật của chúng ta không có tính biểu diễn. Chúng ta phải quan tâm vấn đề biểu diễn trong phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống".

Theo NSND Xuân Bắc, hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn được Bộ VHTTDL giao nghiên cứu, xây dựng những chương trình hành động cụ thể trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Trong đó, có những đầu mục rõ ràng như giải pháp, đầu tư, thực hiện và hiệu quả.

TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) khẳng định, thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những lý do khiến các loại hình nghệ thuật truyền thống không giữ được vị trí vốn có trong đời sống xã hội. 

Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng. Nhiều ngành, chuyên ngành không tuyển được học sinh. 

Trong bối cảnh khó khăn đó, việc tuyển sinh, đào tạo, "giữ chân" nghệ sĩ trẻ lại gặp không ít khó khăn. Câu chuyện tạo nguồn đội ngũ kế cận của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại thời gian qua luôn là "bài toán" khó đối với các nghệ sĩ cũng như các nhà quản lý.

Các giải pháp phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) đề xuất giải pháp tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức về giao lưu, hợp tác quốc tế cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về giao lưu, hợp tác quốc tế cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. 

Bên cạnh đó, cần huy động nguồn lực để tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; phát triển mô hình hợp tác công - tư quốc tế (PPP) trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống; đẩy mạnh vai trò của cộng đồng nghệ thuật quốc tế trong vấn đề này.

ThS. Trần Văn Hiếu (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) đề xuất ứng dụng công nghệ số như là giải pháp hữu ích nhằm lưu trữ, ghi chép và truyền dạy nghệ thuật truyền thống. 

Đồng thời, công nghệ cũng là công cụ quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại, đưa nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ…

Nhiều tác giả đã đề xuất các giải pháp liên quan đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách; về nâng cao nhận thức của cộng đồng; đa dạng hóa không gian biểu diễn; giảm những tác động của kinh tế - xã hội đối với các hoạt động bảo tồn; ưu đãi thỏa đáng với nghệ sĩ, nghệ nhân; lồng ghép bảo tồn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương; hỗ trợ tìm điểm diễn…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm