pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo vệ trẻ khỏi những mặt tối của thế giới ảo
Ảnh minh họa
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet và mạng xã hội mang đến cho con người. Tuy nhiên, có nhiều mặt tối từ "thế giới ảo" đối với trẻ em như: bạo lực, bị bắt nạt, bị quấy rối...
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nay, nhiều gia đình cho con sử dụng thiết bị công nghệ thông minh. Tuy nhiên, việc trẻ tiếp cận nội dung gì hay thời gian trẻ sử dụng trong bao lâu lại không được kiểm soát. Khi không được hướng dẫn, trẻ dễ tiếp thu những hành động, lời nói mà chúng chứng kiến trên internet, dù đó là tốt hay xấu. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi cho con trẻ sử dụng thiết bị công nghệ, bố mẹ cần trang bị cho con cách sử dụng mạng, thiết bị công nghệ an toàn, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu học tập, hoạt động trải nghiệm.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, để bảo vệ trẻ khỏi những thông tin độc hại từ không gian mạng, cha mẹ cần biết con mình đã đủ các kỹ năng tìm hiểu và chọn lọc thông tin hay chưa. Với độ tuổi quá nhỏ, khả năng bắt chước mạnh mẽ thì cha mẹ không nên cho con tiếp xúc với không gian mạng và các clip được phát tán trên Internet. Khi các con đã có khả năng phân biệt đúng sai, cha mẹ cần thảo luận với con về các hiện tượng "câu view", các nhân vật có hành vi vô văn hoá, vi phạm pháp luật,... để định hướng cho con cách ứng xử phù hợp trong từng tình huống khi bị tiếp xúc với các clip "câu view". Sau khi đã thảo luận đầy đủ và có quy định trong việc sử dụng thiết bị điện tử, cha mẹ nên yêu cầu con trình bày những suy nghĩ của mình về các hiện tượng mà con tìm kiếm được trên không gian mạng. Hãy liên tục hỏi ý kiến con để biết các vấn đề có thể gặp phải, cha mẹ sẽ kịp thời trợ giúp con trước khi những thông tin xấu tác động đến hành vi và suy nghĩ của con.
Cha mẹ cần tinh ý khi phát hiện những dấu hiệu không bình thường ở trẻ sau khi trẻ tham gia các hoạt động trực tuyến. Đó là tư vấn của thầy giáo Chu Văn Quyền (trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội). Theo thầy Chu Văn Quyền, bố mẹ nên giao tiếp cởi mởi với con. Bố mẹ hãy nói với con rằng nếu con có trải nghiệm trên mạng khiến con cảm thấy khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi, con có thể nói chuyện với bố mẹ mà không sợ bố mẹ nổi giận hay phạt con. Bố mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở con. Lưu ý, nếu con có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến, bố mẹ cần tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên tích cực. Đó là cách kéo con ra khỏi tầm ảnh hưởng của các trò chơi, kết nối trực tuyến.