Cha mẹ mệt mỏi vì con phải học thêm “ngoại giao”

N.M
21/10/2020 - 17:13
Cha mẹ mệt mỏi vì con phải học thêm “ngoại giao”

Ảnh minh họa

Nhiều phụ huynh thừa nhận việc học thêm ở trường hay giáo viên chủ nhiệm không hiệu quả với con nhưng vẫn phải miễn cưỡng cho con theo học. Những buổi học thêm “ngoại giao” khiến các con quá tải, không có thời gian học những thứ mình thích.

Con năm nay thi vào lớp 10 nên chị Hoàng Bích Phương (phố Núi Trúc, Hà Nội), vô cùng đau đầu với việc sắp xếp lịch học thêm cho con. Con dự định thi chuyên Toán, chị mất rất nhiều thời gian tìm thầy giỏi để con theo. Ngặt một nỗi, lịch học của con đang kín mít khiến chị không biết xoay xở thế nào.

"Sáng con học ở trường, chiều học thêm 4 giờ ở trường. Buổi tối, lại phải học thêm lớp nâng cao của các cô. Những lớp này không phù hợp với mục đích thi chuyên của con nhưng con không dám nghỉ. Với lịch học thế này, con không biết ôn thi môn chuyên vào thời gian nào. Cả tuần chỉ có 1-2 buổi trống thì không trùng với lịch của thầy dạy chuyên. Con và tôi vô cùng lo lắng. Không theo học ở các lớp luyện chuyên, chắc chắn con không có cơ hội đỗ chuyên. Nghỉ lớp học thêm của các cô, con sợ sẽ bị các cô "đối xử đặc biệt" ở lớp, con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý", chị Phương trăn trở.

Trường hợp con gái chị Nguyễn Huyền Anh (Hoàng Văn Thái, Hà Nội), cũng gần tương tự. Chị Huyền Anh cho biết, chị và một số phụ huynh trong lớp cho con học tiếng Anh ở cô giáo bên ngoài. Chuyện đến "tai" cô chủ nhiệm dạy tiếng Anh, cô đã làm um trên lớp. Chị và các phụ huynh đành chấp nhận cho con học thêm tiếng Anh của cô với lớp học là tất cả học sinh của lớp. "Mấy chục học sinh dạy cùng một trình độ như thế, con muốn thi chuyên thì học kiểu gì, thi kiểu gì?", chị Huyền Anh bức xúc.

Cho con đi học thêm ở nhà cô, ở trung tâm cô giáo mở, với nhiều phụ huynh, đó là học "ngoại giao" để con được... yên ổn. "Không học thêm thì thỉnh thoảng phụ huynh lại nhận được điện thoại của cô "dọa". Con cũng sẽ khốn khổ khi điểm luôn bị thấp hơn các bạn, khi bài kiểm tra của con luôn bị trừ chỗ nọ chỗ kia. Còn đi học thêm thì con phải "quay cuồng" trong việc học. Đi học ở trường từ 6h30 sáng đến 12h. Con về ăn cơm buổi trưa, chưa kịp nghỉ ngơi thì 13h lại học phụ đạo ở trường, sau đó lại học 1 ca tại trung tâm của các cô đến 18h. Tối về, con lại phải làm "một núi" bài. Nhìn con ngáp ngắn ngáp dài mà thương", chị Đặng Thùy Linh (Hà Đông, Hà Nội), than thở.

Chỉ một số ít phụ huynh "cứng", học sinh bản lĩnh mới dám từ chối các lớp học thêm do giáo viên chủ nhiệm mở ra. "Những năm con học Tiểu học là cả chuỗi ngày "chiến đấu" thực sự với chuyện học thêm. Cả lớp, chỉ duy nhất mình con không đi học thêm cô chủ nhiệm. Áp lực điểm số, thành tích và cả những lần "nghe mắng oan" đè lên cả con cả mình. Không đi học thêm đồng nghĩa với việc chấp nhận học bạ không "đẹp" để có thể vượt qua vòng hồ sơ khi thi THCS trường chất lượng cao. Thế nhưng, tôi và con cùng xác định ngay từ đầu nên vượt qua một cách ổn thỏa", một phụ huynh chia sẻ.

Kiên định không cho con đi học thêm ở nhà cô chủ nhiệm suốt 11 năm nay, chị Hoàng Yến (Đội Cấn, Hà Nội), cho biết: "Có lúc hoang mang cũng muốn bỏ cuộc nhưng con kiên định bảo mẹ đừng lo. Con tự học thì điểm cao hay thấp cũng là của con. Cũng có lúc thấy con thiệt thòi nhưng con là đứa trẻ lạc quan nên con vượt qua được".

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải (tác giả cuốn sách Cùng con bước qua các kỳ thi), các con học để thi chứ không học để làm vừa lòng ai. Thế nên, phụ huynh cần cân đối việc học thêm của con. Nếu con học ở lớp tốt rồi thì thôi các lớp khác và ngược lại. Đặc biệt, với những trẻ đang học lớp 9 mà tìm lớp học thêm không phù hợp, cho con đi học thêm quá nhiều, lớp ở trường, lớp bên ngoài, môn nào cũng đi học thêm thì sẽ không hiệu quả. Không nên để việc học hành của con rơi vào cảnh "cả nể cho nên hóa dở dang". Bố mẹ cần biết mục tiêu của con mình là gì, biết mình phải làm gì để giúp con đạt được mục tiêu đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm